Chuyện về những người trẻ mê ‘nhạc sống’

Đối với những ai mê ca hát, việc hát “nhạc sống” (live band) luôn mang lại hứng thú riêng, có thể thoả sức phiêu cùng với các nhạc công và sáng tạo thành những tác phẩm của riêng mình.

 

Cùng trò chuyện với chủ nhiệm Tô Thành Đạt của F# - CLB nhạc sống Đại học FPT để hiểu thêm về CLB này, cũng như về những người trẻ thích “cháy” trên sân khấu bằng những giai điệu “sống” nhé!

 

Chào Đạt và F#. Trước hết, Đạt hãy giới thiệu về "gia tài" mà F# hiện đang có nhé!

 

Hiện tại F# có sử dụng 4 loại nhạc cụ chính, bao gồm : Guitar (điện, thùng), Guitar Bass, Keyboard (Organ), Trống (Cajon, trống jazz).

 

Các nhân tố chính cho các loại nhạc cụ đa phần là các bạn sinh viên K11 và K12 của trường như Guitar thì có bạn Nghiêm Hoàng Linh (K13), Bass thì có bạn Cao Hoàng Thái (K11), Keyboard thì có bạn Công Thạnh (K12) và trống thì có bạn Bùi Huy Cường (K11).

 

Các bạn này đều là những người đã có kinh nghiệm ở loại nhạc cụ mình chơi, có kinh nghiệm diễn trên sân khấu, có khả năng phối hợp với nhau để tạo ra những tiết mục đặc sắc.

 

Những nhân tố này thường tham gia vào các show nhạc lớn nhỏ trên địa bàn thành phố với sự tổ chức của các anh em, bạn bè trong giới chơi nhạc nói chung và cộng đồng anh em chơi rock nói riêng. Band cũng đã từng tham gia những chương tình của cộng đồng rock TPHCM, cuộc thi Battle of the Band của trường ĐH RMIT tổ chức hay giao lưu tại các trường THPT nữa.

 

  

Theo Đạt, điều gì hứng thú nhất khi chơi band?

 

Theo suy nghĩ khách quan của mình, có 2 điều tạo nên sự hứng thú khi chơi band đó là khả năng phối hợp và sự sáng tạo.

 

Đối với việc chơi band thì kĩ năng cá nhân và khả năng phối hợp là 2 yếu tố rất quan trọng, đó cũng chính là yếu tố đầu tiên tạo nên sự hứng khởi. Người có kĩ năng chơi nhạc cụ tốt nhưng không thể phối hợp thì cũng không thể chơi band được, nhưng người có thể phối hợp với band nhưng kĩ năng không cao thì làm gì cũng khó. Chính vì vậy cả 2 điều đó đều quan trọng, tạo nên động lực muốn cải thiện mình và phối hợp với đồng đội.

 

Sáng tạo được thể hiện qua sự kết hợp của một tập thể. Việc hoạt động band nhạc luôn bắt các thành viên phải đóng góp sự sáng tạo của mình để hoàn thiện tiết mục. Mỗi người đảm nhiệm một vai trò, từ đó để có được một tiết mục hay thì đó là sự sáng tạo của cả một tập thể. Việc này giúp tạo cho những người chơi band có một sự gắn kết đối với nhau. Band nhạc càng gắn kết thì càng dễ cho ra những sản phẩm hay.

 

Bạn cũng là một người trẻ mang trong mình một niềm đam mê nghệ thuật cháy bỏng, sao bạn không thử sức ở cuộc thi FPT University Talent 2018? Đăng ký ngay TẠI ĐÂY.

 

Các thành viên cần có tố chất gì để vào CLB F#?

 

F# là CLB hoạt động về mảng âm nhạc trình diễn sân khấu nên yêu cầu đầu tiên của CLB sẽ hướng đến điều này. Các bạn muốn tham gia vào CLB trước tiên phải biết được mong muốn và sở thích của mình là gì, vì F# không dạy các bạn chơi nhạc mà F# là nơi tạo ra môi trường để các bạn phát triển khả năng chơi nhạc của mình.

 

Điều đó đồng nghĩa với việc nếu bạn không thật sự mong muốn và thích việc chơi nhạc thì các bạn không thể tham gia vào F#. Vì khi tham gia, các bạn sẽ phải tự mình phát triển theo hướng mình muốn và F# chỉ cho bạn môi trường để bạn phát triển điều đó tốt hơn và nhanh hơn.

 

Theo Đạt, điểm khác biệt giữa "chơi band" và "chơi beat" là gì?

 

Trước tiên, Đạt nghĩ mình cần hiểu rõ về điểm khác nhau của 2 loại hình này. "Chơi beat" nghĩa là bạn thể hiện một tiết mục trên nền giai điệu đã được làm sẵn, mọi thứ bạn phải bám sát theo giai điệu đã làm. Chơi band nghĩa là bạn phải kết hợp với band của bạn để tạo ra tiết mục, band của bạn chơi như thế nào thì bạn trình diễn như thế ấy. Về cơ bản thì đó là 2 điểm khác nhau rõ nhất ta có thể thấy.

 

Chi tiết hơn thì việc bạn chơi beat bạn phải nắm được beat hay còn gọi là thuộc beat để có thể trình diễn theo ý mình. Bạn cũng phải luyện tập với beat đó thật nhiều để có thể ứng biến bất cứ khi nào bạn muốn, từ đó sẽ tạo nên một tiết mục hoàn thiện.

 

Còn đối với việc chơi band thì bạn phải bắt được nhịp của cả nhóm để phối hợp trình diễn theo. Khi biểu diễn theo band thì toàn bộ các thành viên đều biểu diễn chứ không riêng một cá nhân nào cả, chính vì vậy để cho ra một tiết mục hoàn thiện thì cả band cần phải tập luyện với nhau rất nhiều và phải hiểu ý để kết hợp được với nhau.

 

Chơi band là tất cả mọi thành viên trên sân khấu đều đang biểu diễn.

 

Ngoài ra, việc chơi band khác việc chơi beat ở yếu tố con người. Trong một tiết mục trình diễn beat thì trừ khi người trình diễn không nắm được beat thì tiết mục sẽ xuất hiện lỗị. Còn đối với chơi band, chỉ cần một mắt xích trong band xảy ra lỗi thì cả tiết mục đó sẽ xảy ra lỗi.

 

Như vậy là trong chơi band, tinh thần tập thể rất quan trọng đúng không Đạt?

 

Tinh thần tập thể là yếu tố quyết định gần như là cao nhất. Một band có thể chênh lệch về trình độ nhưng nếu cùng nhau gắn bó để chơi lâu dài thì việc khoảng cách về trình độ có thể được san lấp. Nhưng một band dù đồng đều đến đâu mà không có tinh thần tập thể thì cuối cùng cũng ko thể chơi chung với nhau được. Vì một band là một tập thể nên tinh thần tập thể là thứ không thể thiếu.

 

Tinh thần tập thể và tài năng, cái nào quan trọng hơn?

 

Như đã nói ở trên thì tinh thần tập thể là thứ không thể thiếu, nhưng nói như vậy không có nghĩa là tài năng không quan trọng.

 

Việc bạn có tinh thần tập thể nhưng không có tài năng cũng giống như việc bạn có đức mà không có tài, làm việc gì cũng khó. Nên có thể nói cả 2 thứ đều quan trọng. 

 

F# có gặp khó khăn trong việc phát triển không?

 

Hiện tại thì nhà trường vẫn ủng hộ F# trong việc hoạt động câu lạc bộ. Song, F# vẫn đang còn gặp chút khó khăn trong nhiều vấn đề, như thiếu phòng tập đủ không gian, cách âm và đủ thiết bị để cả band có thể tập luyện, dàn dựng những tiết mục cùng nhau và thu hút nhiều bạn có cùng đam mê đến với F#.

 

Thứ 2 đó là vấn đề về trang thiết bị. Từng thành viên của F# vẫn đang cố gắng để mua thêm trang thiết bị để luyện tập, vì trang thiết bị là thứ thiết yếu của việc chơi band.

 

Vẫn đang là sinh viên nên chắc việc tham gia biểu diễn trên các sân khấu sẽ ít nhiều gặp hạn chế đúng không Đạt?

 

Đúng như vậy. Nhưng F# vẫn dành thời gian luyện tập hàng tuần để nâng cao trình độ của band, cũng sắp xếp thêm thời gian để tham gia những show nhạc tại các trường khác trên địa bàn thành phố nữa.

 

Điều F# mong muốn lúc này là gì?

 

F# hy vọng rằng sẽ thu hút nhiều bạn trẻ trong Đại học FPT có chung đam mê chơi nhạc sống hơn, được tạo đủ điều kiện để đẩy mạnh phong trào này trong trường, và được đứng trên sân khấu của nhiều sự kiện trong trường để F# có thể mang đam mê ra để trình diễn.

 

Cám ơn Thành Đạt và F# rất nhiều! 

 

Thông tin thêm về F#:

 

- Top 6 chương trình Battle of the band của trường đại học RMIT dành cho các band nhạc sinh viên trên địa bạn TP.HCM.

- Giải nhất cuộc thì âm nhạc trong "Chợ Tết Dân Gian".

- Đơn vị tổ chức show nhạc Để Gió Cuốn Đi.

- Đơn vị tổ chức đêm nhạc  Just #

- Câu lạc bộ nhạc sống duy nhất tại Đại học FPT.

 

H.B (Thực hiện)

 

 

Tin tức Liên quan