Cóc Tài Tử K15: Ai bảo sinh viên Công nghệ thông tin là khô khan?
Nhằm tạo cảm hứng và sân chơi cho các bạn tân sinh viên K15 về âm nhạc truyền thống, CLB Nhạc cụ truyền thống trường Đại học FPT (FTI) đã tổ chức cuộc thi Cóc Tài Tử với thể loại nhạc dân ca, mang âm hưởng dân ca hoặc dân gian đương đại Việt Nam như hò, lý, tiền chiến, cách mạng… Cuộc thi khép lại với danh hiệu Cóc Tài tử dành cho 3 tân sinh viên K15. Điều đặc biệt các bạn đạt giải đều là sinh viên ngành Công nghệ Thông tin. Ai bảo sinh viên Công nghệ Thông tin là khô khan?
Quán quân Cóc tài tử thuyết phục bằng khả năng chơi sáo và cả guitar
Bạn Dương Chí Hùng, chàng tân binh ngành An toàn thông tin - thí sinh đạt giải nhất Cóc Tài Tử trình bày sáo trúc bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, một ca khúc đã trở thành huyền thoại trong nền âm nhạc Việt Nam do nhạc sĩ Xuân Hồng sáng tác.

Hùng có những lời chia sẻ về quá trình luyện tập và cảm nghĩ khi thi cuộc thi Cóc Tài Tử: “Mình học sáo được 4 năm rồi, còn đàn guitar thì hơn 3 năm. Lúc nhỏ khi đi chợ, mình thấy có 1 sạp bán sáo, thấy vui vui thế là bỏ tiền ra mua cây sáo về nghịch thử. Khi mua về thì lên mạng tự học, tự tìm hiểu chơi chứ không qua trường lớp gì hết”.
Khi tham gia Cóc Tài Tử, Hùng chia sẻ mình hơi bối rối vì thời gian gần đó Hùng chỉ tập guitar, còn sáo thì bỏ khá lâu. “Nhưng vì cuộc thi làm mình nhớ tới sáo trúc, thấy vui nên em đăng ký tham gia” – Hùng nói về lý do đăng ký cuộc thi.
Chàng Cóc còn tiếp lửa cho mọi người cùng có sở thích nhạc cụ truyền thống: “Trong quá trình tìm hiểu và luyện tập, mình thấy đa số người vì không thổi ra nốt mà bỏ cuộc. Lúc mình bắt đầu học sáo thì mình mới cấp 2 và cả trường thì chỉ có mỗi mình chơi nên vô tình nó lại là nguồn động lực để mình tiếp tục với cây sáo, thế là hồi đó trường em rộ lên cả phong trào chơi sáo sau khi thấy mình chơi”. Cậu bạn chia sẻ thêm: “Lên đại học, mình cứ nghĩ trường công nghệ sẽ khá khô khan, nhưng khi thấy trường tạo nhiều hoạt động cho sinh viên tham gia, đặc biệt là âm nhạc, nên cảm thấy mình rất vui vì chọn đúng trường".
Mai Nhựt Trường: “với mình cây sáo là người thân”
Bạn Mai Nhựt Trường- thí sinh đạt giải nhì Cóc Tài năng trình bày sáo trúc bài “Quê tôi” về một làng quê tuy mộc mạc, đơn sơ nhưng có đủ màu sắc và gần gũi. Trường chia sẻ rằng: “mình bắt đầu học nhạc cụ được 2 năm, ngoài sáo ra thì mình còn biết thêm về harmonica. Thể loại nhạc mình hay chơi là nhạc Hoa và nhạc trẻ, nhưng khi đến với cuộc thi này, mình muốn phá cách về thể loại, tạo sự khác biệt so với thường ngày. Thế là mình chọn bài thể hiện được làn điệu của quê hương, nói lên sự giản dị, mộc mạc của làng quê Việt Nam".

Với chàng sinh viên Kỹ thuật phần mềm này, cuộc thi Cóc Tài tử rất có ý nghĩa: "Cuộc thi này đã giúp mình tương tác được với nhiều bạn, kết nối được với nhiều bạn cũ của mình, cũng biết được khả năng của mình tới đâu. Rất hi vọng trong tương lai, các bạn sinh viên đều sẽ cùng nhau tiếp lửa, giữ hồn cho nhạc cụ truyền thống càng được phát triển hơn".
Để thể hiện thành công ca khúc này Trường chia sẻ thêm rằng: “Cây sáo như người thân của em vậy, ngày nào cũng kè kè bên người, thiếu nó thì như thiếu một người tri âm, tri kỉ. Mình có một người anh thổi sáo giỏi lắm, mình thấy anh đó chơi và bắt chước thổi theo. Khi mình thấy mình thổi ra nốt được thế là mình thích sáo trúc hơn. Thêm nữa là mình là mình thấy sáo trúc gọn hơn những loại nhạc cụ đó nên theo luôn.”
Lê Đoàn Mỹ Nhung: ai bảo con gái CNTT không nữ tính?
Bạn Lê Đoàn Mỹ Nhung sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm - thí sinh đạt giải nhì Cóc Tài Năng và giải Cóc Tương tác. Nhung đã tạo ấn tượng tốt qua bài “Giấc mơ trưa” được trình bày bằng đàn tranh đã tái hiện lên một miền ký ức, một nỗi nhớ về miền quê nơi có đồng lúa bát ngát, những cánh cò bay lượn, nơi có tiếng à ơi của người mẹ ru con ngày còn thơ ấu.

Với niềm đam mê về nhạc cụ truyền thống, Nhung chia sẻ: “Rất bất ngờ khi BTC công bố thể lệ về các bài hát kháng chiến, dân ca… Cuộc thi này không chỉ để sinh viên thể hiện tài năng mà còn giúp mọi người nhớ lại những bài hát cách mạng mà bấy lâu nay bị lãng quên. Với niềm yêu thích muốn gìn giữ truyền thống, nền bản sắc dân tộc, mình đã cố gắng luyện tập hàng ngày để nâng cao kỹ năng của mình hơn”.
Khi tham gia cuộc thi Cóc Tài Tử, trong quá trình tập luyện lại Nhung cũng chia sẻ thêm: “Mình mới tiếp xúc với đàn tranh cách đây 3 tháng thôi, trong quá trình luyện tập thì rất mau nản vì phải thường xuyên chỉnh dây, thỉnh thoảng lại bị đứt dây đàn và mất khác nhiều thời gian để thay dây. Nhưng nghĩ đến cảnh trong tương lai mình có thể chơi được cây đàn mà nhiều người biết đến nhưng không biết chơi thì khá là ngầu nên cố gắng phấn đấu tiếp tục gắn bó với nó để tạo nên sự khác biệt.”
“Năm lớp 12, chẳng cần đắn đo suy nghĩ, em chọn ngay Đại học FPT. Một ngôi trường năng động không chỉ là trường mạnh về công nghệ mà còn là nơi để sinh viên trau dồi các kỹ năng mềm, giải trí cùng với cơ sở vật chất hiện đại” – Cóc tài tử Mỹ Nhung nói về ý định chọn trường của mình.
BẢO DUNG