Người dân quận 1 thoải mái “ đi chợ online” nhờ dự án “ đi chợ giùm” cho sinh viên Đại học FPT phát triển

Mới đây, nhóm sinh viên Ngành Kỹ thuật phần mềm Đại học FPT đã cho ra mắt ứng dụng “Communication Covid Market Application” (Chợ truyền thống mùa Covid) trong đợt bảo vệ đồ án kỳ Fall 2021. Dự án này nhận được “cơn mưa lời khen” từ các giảng viên Đại học FPT vì sự sáng tạo của nhóm thực hiện cũng như tính thực tiễn của sản phẩm trong thời kỳ dịch bệnh căng thẳng. 

 



“Communication Covid Market Application” là ứng dụng được tạo ra bởi nhóm sinh viên không chỉ đam mê công nghệ mà còn đầy trách nhiệm với cộng đồng, muốn góp phần giảm nhẹ sự khó khăn của người dân trong việc mua sắm lương thực, nhu yếu phẩm. Nhóm sinh viên gồm các bạn đến từ Ngành Kỹ thuật phần mềm: Leader Lê Huỳnh Đức (K12), Nguyễn Đức Huy (K12), Võ Hữu Lộc (K13) và Nguyễn Đoàn Quang (K13). 

 



Trải qua thời gian dài thực hiện chỉ thị số 15 của Chính phủ vì đại dịch Covid với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, khi “ai ở đâu ở yên đó” thì người dân không phải chỉ đối mặt với vi-rút Corona mà còn là tình trạng thiếu hụt nhu yếu phẩm và gánh nặng về mặt kinh tế. Hiểu được tình trạng khó khăn của bà con ở TP. HCM, nhóm của Huỳnh Đức đã nhanh chóng “bắt tay vào việc” triển khai dự án “Chợ truyền thống mùa Covid” để kịp thời đáp ứng nhu cầu “đi chợ ngày dịch”. 

Ứng dụng “Chợ truyền thống mùa Covid” được phát triển dựa trên yêu cầu của Quận Đoàn Quận 1 - TP. HCM để phục vụ người dân và tiểu thương thuộc các chợ truyền thống quận 1 trong thời điểm giãn cách xã hội cũng như trong tương lai “Bình thường mới”. “Communication Covid Market Application” được triển khai tập trung dựa trên việc xây dựng một hệ thống cho phép các tiểu thương ủy quyền cho Quận đoàn trong việc thu thập và giao các đơn hàng cho người dân trong quận 1. Điều này giúp “người mua” và “người bán” vừa đảm bảo được an toàn sức khỏe, thực hiện giãn cách xã hội, vừa thuận tiện cho các tiểu thương gặp khó khăn trong việc sử dụng công nghệ thông tin để trao đổi hàng hóa. 

Dự án này được xây dựng theo mô hình G2C (Government to Citizens - Mô hình Giao dịch trong Chính phủ điện tử) với định hướng duy trì sự hoạt động của chợ truyền thống, đồng thời giúp các tiểu thương có thể sử dụng công nghệ để tiếp nhận và xử lý đơn hàng trực tiếp thông qua ứng dụng dễ dàng hơn. “Chợ truyền thống mùa Covid” tạo thuận lợi cho người dân đặt và mua hàng trực tuyến mà không cần quản lý account (tài khoản) thông qua xác thực số điện thoại khi giao dịch,... Bên cạnh đó, hệ thống được yêu cầu xây dựng tính năng cho phép Quận đoàn có thể phê duyệt đăng ký của các tiểu thương để thực hiện ủy quyền trong việc tiếp nhận và giao hàng. 

Ứng dụng “Communication Covid Market Application” đã được nhóm triển khai thực tế ở quận 1, giúp người dân nơi đây phần nào vượt qua được khó khăn trong việc trao đổi hàng hóa mùa dịch. Nhóm chia sẻ: “Đây là niềm tự hào của nhóm khi sản phẩm của mình đã góp được một chút ít công sức cho xã hội, cùng cộng đồng đẩy lùi giặc Covid.” 


Tính đến tháng 12/2021, sinh viên ĐH FPT đã phải trải qua hai mùa bảo vệ đồ án online, điều này đã gây không ít khó khăn cho các bạn, nhóm Huỳnh Đức cũng không ngoại lệ. Nhóm chia sẻ: “Các thành viên trong nhóm vẫn chưa gặp mặt nhau trực tiếp, mọi người chỉ có thể bàn bạc thông qua meeting online. Điều đó khiến các thành viên không ít lần gặp “trục trặc, vấn đề” trong việc giao tiếp. Ngoài ra, nhóm mình còn phải đối mặt với áp lực thời gian phải phát triển dự án nhanh trong 2 tuần để có thể phục vụ kịp thời cho người dân.” 

Vượt qua hết những trở ngại đó, nhóm đã hoàn thành xuất sắc dự án nhờ sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của từng thành viên. Bên cạnh đó, để đạt được thành công này, nhóm muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc tới thầy Kiều Trọng Khánh - người đã luôn giúp đỡ, đưa ra lời khuyên, hỗ trợ nhóm hết mình trong dự án lần này. 


                                                                                             Diệu Thảo

 

Tin tức Liên quan