Những người phía sau thành công của Etherial Indie Show 2019
Để có được một đêm nhạc Etherial Indie Show 2019 thành công, trở thành một sự kiện âm nhạc có quy mô lớn đầu tiên 100% "made by" sinh viên trường Đại học FPT, BTC đã phải làm việc nghiêm túc và có trách nhiệm. Từ những cá nhân rời rạc, hơn 40 người cùng chung lý tưởng đã đem đến một đêm nhạc Indie trọn vẹn trong lòng người tham dự.
Etherial Indie Show (E-Show) là show âm nhạc được tổ chức vào giữa tháng 4 vừa qua tại TP.HCM, quy tụ những ban nhạc, những nghệ sĩ Indie được yêu thích như Vũ., Thế Bảo, Reddy, Kim Tuyên, The Flob và CxT. Sự kiện được tổ chức bởi các bạn trẻ đến từ các CLB sinh viên của trường Đại học FPT – CLB Truyền thông Cóc Sài Gòn, F# Live Music Club và nhóm Halcyan và sự cộng tác của các bạn học sinh đến từ CLB Truyền thông Nguyễn Công Trứ.
Chương trình đã tạo điều kiện giúp họ đến gần hơn với khán giả yêu âm nhạc. Etherial Indie Show được tổ chức lần đầu tiên đã thành công rực rỡ và là động lực thúc đẩy ekip thực hiện biến nó thành một chuỗi sự kiện âm nhạc hoành tráng diễn ra hằng năm.
Cùng trò chuyện với đại diện BTC để hiểu hơn về ý nghĩa thực sự mà BTC Etherial muốn mang đến cho khán giả và những khó khăn, thử thách mà các bạn trẻ đầy nhiệt huyết này đã vượt qua.
Có nhiều bạn vẫn đang thắc mắc về cái tên Etherial nghĩa là gì và tại sao BTC lại chọn cái tên này?
Hưng Phan – Thành viên nhóm Truyền thông: Etherial, tiếng Anh nghĩa là sự thanh cao, thuần khiết cùng với biểu tượng hoa hồng trắng là một thông điệp về sự trong trẻo của tình yêu mà người trẻ dành cho nhau, dành cho thanh xuân, cho âm nhạc. Đó cũng cảm xúc mà E-Show muốn đem đến cho các bạn khán giả. Một không gian âm nhạc nhẹ nhàng, lãng mạn và trẻ trung. Một không gian mà họ có thể quên đi những tấp nập, những lo toan thường ngày của cuộc sống để cùng hoà mình vào những giai điệu sống động của dòng nhạc Indie, dòng nhạc của người trẻ.
Được biết trước khi Etherial Indie Show ra mắt, các bạn trong các CLB sinh viên của Đại học FPT hầu như đều chưa nhiều kinh nghiệm tổ chức sự kiện nhiều. Động lực nào để các bạn mạnh dạn tổ chức một chương trình quy mô lớn như vậy?
Như Hảo – Thành viên nhóm Truyền thông: Theo thường lệ, mỗi năm CLB trường mình sẽ tổ chức một chương trình ca nhạc (quy mô cấp trường), nhưng để quyết định làm một liveshow hoành tráng cho học sinh, sinh viên toàn thành phố phải nói là một sự liều lĩnh.
Nhận thấy các chương trình âm nhạc trước đây chưa thực sự hấp dẫn và thu hút nhiều khán giả, chính vì thế, tụi mình, tập hợp những con người có cùng lý tưởng, mong muốn một lần chơi lớn xem anh em có trầm trồ nên đã quyết định bắt tay cùng nhau thực hiện một show nhạc thiệt “đã”.”
Sự kiện thành công khi có sự tham gia của các ca sĩ , nhóm nhạc được yêu thích và sự ủng hộ nhiệt tình từ các "thần dân Indie".
Đỗ Hữu Phát – Nhóm trưởng nhóm Truyền thông: “You have to think anyway, so why not think big?" - Donald Trump. Câu nói này vừa là động lực và vừa là kim chỉ nam của tất cả những dự án mà chúng mình đã và đang làm. Lúc đầu, với giới hạn của một câu lạc bộ người ta hay đặt ra, thì quy mô 300 người của kế hoạch E-Show đầu tiên được cho là vô lý. Động lực lớn nhất để thực hiện E-Show với quy mô 500 người chính là chứng minh cho mọi người biết rằng hoạt động của 1 câu lạc bộ không thể bị giới hạn bởi bất cứ thứ gì. E-Show năm đầu tiên đã bán được 500 vé thì tại sao những sự kiện khác, với bề dày tuổi tác và kinh nghiệm không thể làm lớn hơn?
Hãy nghĩ lớn, làm lớn, tậm tâm, nhiệt huyết, tin tưởng tuyệt đối, chiến lược kĩ càng, chắc chắn sẽ làm được. Mình mong E-Show ngoài việc là niềm tự hào của những người thực hiện thì nó còn là niềm tin cho hoạt động của câu lạc bộ, rằng những điều chúng ta xây dựng và kế hoạch, có thể đi xa và thành công hơn rất nhiều.
Cơ duyên nào đưa các bạn tìm đến được với nhau và cùng bắt tay hợp tác làm nên chương trình?
Trần Thiên Quý – Nhóm trưởng nhóm Sự kiện: Mình nhớ trong một sự kiện tại trường vào ngày 20/11, mình có gặp Phát. Trong lúc đó hai đứa đã “tâm sự” nhau nghe một vài điều và chung mong muốn tổ chức một cái show ca nhạc cho học sinh sinh viên quy mô toàn thành phố
Đỗ Hữu Phát: Trong khi mình đang “cạn lời” vì kế hoạch hợp tác thực hiện một sự kiện với một tổ chức khác thì mình thấy được kế hoạch của “Quý Bạch Tuột Luốt” (Trần Thiên Quý). Mặc dù tính khả thi và hợp lí chưa cao nhưng đó là một kế hoạch được đầu tư nghiêm túc về “não” và “mồ hôi”. Đặc biệt, đó là một kế hoạch hiểu rõ về truyền thông và tính quan trọng của “vừa truyền vừa thông” khi thực hiện một sự kiện lớn.
Mình và Quý đã biết nhau từ lâu nhưng vẫn chưa có dịp cộng tác chung. Đó là một thằng anh em có tài, có sức và có não xịn. Với cái tầm và cái tiếng nói hiện tại của Quý thì nó bị chê, bị từ chối, bị nói là “Mày không làm được đâu!”. Lúc đó có một thế lực thần kì nào đó đã mách mình là “Phát ơi, mày phải làm, đây là mảnh ghép hoàn hảo của mày!”. Và chúng mình đã bắt tay nhau cùng thực hiện.
Về sau E-Show có thêm F# và CLB Truyền thông Nguyễn Công Trứ, trở thành “cuộc tình tay bốn” gồm Câu lạc bộ truyền thông Cóc Sài Gòn, Halcyan (tên nhóm của Quý), F# Live Music (Câu lạc bộ nhạc sống) và NCT (Câu lạc bộ truyền thông THPT Nguyễn Công Trứ). Nâng tổng ekip thực hiện chương trình lên làm gần 40 con người. Được chia là 3 nhóm: Sự kiện, Truyền thông, Bán vé (bao gồm cả tìm kiếm và “chiều chuộng” nhà tài trợ). Mặc dù cãi nhau nhiều lần nhưng chúng mình có một cuộc tình tay bốn hạnh phúc, đày đọa nhau suốt mấy tháng trời (Cười).
Cùng chung lý tưởng, BTC E-Show đã cùng nhau tạo nên một E-Show thành công.
Bạn hãy chia sẻ về những khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện? Có bao giờ làm bạn nản lòng hay muốn bỏ cuộc không?
Đỗ Hữu Phát: Hai tháng đầu năm 2019, E-Show lận đận long đong khi phải họp hành liên miên, đổi thời gian, địa điểm, ca sĩ, tên gọi… Những mâu thuẫn của team điều hành chính, những lục đục nội bộ, lửa và nhiệt của toàn bộ thành viên BTC bị cạn dần. Lúc đó chúng mình đã phải biến mình thành những hoa hậu thân thiện của thiên hạ, đã xin lỗi nhau, cảm ơn nhau để giải quyết những căng thẳng và tìm cách đốt lại lửa của toàn bộ ekip.
Các bạn hãy chia sẻ một vài kỉ niệm đáng nhớ trong quá trình làm E-show?
Trần Nguyễn An Khang – Thành viên nhóm Bán vé: Mình thuộc team seller mà kiêm luôn shipper, ngày nào cũng đi giao vé “sấp mặt”. Kỷ niệm đáng nhớ trong lần đi giao vé đó là khoảnh khắc ngu ngơ chạy xe và làm rớt mất cái điện thoại. Đến khuya thì nhận được tin một bạn khách hàng đã vô tình nhặt được chiếc điện thoại của mình liền tức tốc đi lấy lại nhưng ôi thôi cái sim và cái điện thoại nát bét. Thiệt đáng buồn. Nhưng bù lại, trong lúc đi ship vé, mình gặp được rất nhiều bạn dễ thương và tốt bụng đó nha.
Đỗ Hữu Phát: Lúc đầu Gymaster không đồng ý tài trợ với lý do là lần trước Gymaster có tài trợ Cuộc thi Cocsaigon's Next Top Model nhưng đa phần những bạn nhận giải thưởng học đều ở quận 12, không ở gần Gymaster nên không thể sử dụng các quà tặng từ Gymaster. Sau khoảng thời gian thuyết phục bằng quy mô toàn thành của sự kiện, mình được chị đại diện Gymaster đồng ý làm kế hoạch, trình lãnh đạo và cuối cùng chương trình đã được tài trợ. Sau chương trình, chị ấy đã nhận xét chương trình được tổ chức rất tốt và chị rất vui khi được đồng hành cũng sự kiện này.
Còn nữa, mình vẫn còn nhớ lúc Reddy lên hát bài đầu tiên, mình đã đứng phía cửa sảnh và khóc. Khóc bởi vì cả ekip đã bỏ rất nhiều thời gian, công sức, sự nghiêm túc vào cái E-Show lần đầu này. Cái show phá bỏ hết mấy cái giới hạn và định kiến về hoạt động của CLB tại Đại học FPT. Cuối cùng cũng đã có thành quả, cuối cùng đã có thể tự hào, có thể cùng nhau ăn mừng thật hạnh phúc.
Trần Thiên Quý: Kỷ niệm của mình chắc là những cái “lần đầu”. Lần đầu đặt chân vào 11 địa điểm sang chảnh ở thành phố để tìm điểm tổ chức mặc dù ngân sách chương trình không cho phép. Lần đầu được làm việc chung với “Phát Hà Bá” (cách Quý Phát). Lần đầu thấy được cái thằng làm việc như trâu bò đến 3-4h sáng vẫn thức để thiết kế cho chương trình, lo nhà tài trợ, chạy truyền thông từ đầu đến cuối. Lần đầu nhận việc book ca sĩ, nhận ra sự dễ gần của anh Thế Bảo, anh Reddy, Tuyên, những thằng nhóc ác The Flob loi nhoi. Và đặc biệt vui khi anh Vũ đồng ý tham gia chương trình. Từ đó mình mới hiểu rằng sự dễ gần của họ xuất phát từ niềm đam mê âm nhạc thực sự.
Cảm nhận về các bạn thành viên BTC như thế nào?
Tô Thành Đạt – Thành viên nhóm Bán vé: Phải nói, các bạn chỉ là những học sinh, sinh viên năm 1, năm 2 thôi nhưng lại rất giỏi, tràn đầy nhiệt huyết và năng động. Tuy vậy, trước khi chương trình bắt đầu, mình đã cực kì lo lắng.
Mình cứ sợ các bạn mới chưa có nhiều kinh nghiệm chạy chương trình. Nhưng đến khi show diễn ra, mình thật sự bất ngờ với sự phản ứng của các bạn mới, tuy là lần đầu các bạn chạy chương trình lớn nhưng các bạn đã đảm nhận tốt vai trò được giao và đã có những cách ứng biến linh động trước mọi tình huống. Đó là điều khiến mình thấy vui và tự hào nhất ngày hôm đó.
Với thành công có được từ show nhạc vừa rồi, BTC có dự định sẽ quay trở lại với Etherial Indie Show mùa 2 không?
Tô Thành Đạt: Với những gì đã đạt được ở năm nay, BTC dự định sẽ tiếp tục thực hiện vào năm sau. Vì năm nay là show đầu tiên do bọn mình tổ chức nên vẫn còn sơ sót và có những điều BTC vẫn chưa thực hiện được. Bọn mình sẽ quay lại vào năm sau với một chương trình chất lượng hơn, được đầu tư kĩ càng hơn và đặc biệt chương trình năm sau hứa hẹn sẽ mang lại cho các bạn nhiều điều bất ngờ đặc biệt. Hy vọng sẽ được các bạn đón nhận và ủng hộ. Xin cảm ơn!
Etherial Indie Show 2019 đã khép lại nhưng những khoảnh khắc, cảm xúc, âm nhạc vẫn còn mãi trong lòng những người tham dự đêm đó và cả những người làm chương trình.
-
Etherial Indie Show 2019 với hình tượng chính là hoa hồng trắng, nhằm tôn vinh sự thuần khiết và thanh cao của tình yêu. Đêm nhạc được tổ chức hoàn toàn bởi các bạn trẻ đến từ các CLB sinh viên của trường Đại học FPT - CLB Truyền thông Cóc Sài Gòn, CLB Nhạc sống F# và nhóm Halcyan.
|
CSG