Những ứng dụng thiết thực trong giáo dục qua đồ án tốt nghiệp của sinh viên ĐH FPT

Dự kiến, kỳ bảo vệ đồ án học kỳ Spring của sinh viên trường F sẽ diễn ra từ 13-16/5/2020 với nhiều đề tài hấp dẫn, thiết thực.


Với hơn 50 đề tài cùng sự tham gia của 200 sinh viên ĐH FPT, nhiều sản phẩm được thực hiện kỳ vọng tham gia vào các lĩnh vực quan trọng trong đời sống. Trong đó, các đề tài đồ án của sinh viên trường F rải đều các nhóm ngành như: giáo dục, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật...


Sau 3 tháng được thầy cô hướng dẫn thực hiện đề tài, các bạn sinh viên sẽ được “lên thớt” để thuyết trình và triển khai demo sản phẩm đồ án của mình. Cùng với học kỳ tiếng Anh và 8 học kỳ chuyên ngành nhiều nỗ lực đã qua, kỳ bảo vệ đồ án là một trong những nhân tố quyết định kết quả học tập 4 năm “ròng rã” của các Cóc trường F. 

Là sinh viên, tham gia nhiều vào môi trường học đường, đó là nguyên nhân không quá lạ khi các bạn sinh viên lựa chọn đề tài đồ án liên quan tới lĩnh vực giáo dục. 

Chấm bài thi thực hành tự động với DevOps


Với đồ án “Chấm bài thi thực hành tự động với DevOps”, trưởng nhóm đề tài, bạn Nguyễn Huy Thức cho biết “Hiện nay, ở hầu hết các trường đại học, số lượng hệ thống hỗ trợ tự động đánh giá các kỳ thi thực tế vẫn còn hạn chế”. Hầu hết các trường sử dụng phương pháp chấm bài truyền thống theo hình thức sinh viên nộp dự án và giảng viên sẽ đánh giá bằng cách phỏng vấn sinh viên và thẩm tra dự án của họ. 

 

Giao diện của đồ án “Chấm bài thi thực hành tự động với DevOps”


Leader Huy Thức cho biết việc áp dụng chấm thi theo hình thức hiện tại nói trên có khá nhiều nhược điểm. Theo đó, sinh viên phải mong đợi để xem kết quả của họ sau khi gửi bài thi trong 1 khoảng thời gian dài. Đồng thời, giảng viên phải đánh giá bài thi của sinh viên “bằng tay”. Với việc đánh giá thủ công, dựa vào sức người này, giảng viên phải tự mình thực hiện tất cả các công đoạn như thu thập dữ liệu và đánh giá lần lượt từng bài dự thi một. Việc chấm nhiều bài thi bằng cách thủ công không chỉ tốn thời gian mà còn dễ bỏ sót một số yếu tố, bất cẩn hoặc cảm tính trong việc đánh giá sản phẩm của sinh viên.

Vì muốn giải quyết những hạn chế kể trên, nhóm quyết định chọn đề tài “Chấm bài thi thực hành tự động với DevOps”. 
 
Chia sẻ về kỳ vọng triển khai thành công ở thực tế, Thức cho biết ý tưởng của nhóm rất khả quan. Trước đó, hệ thống của nhóm đã được kết hợp với một vài hệ thống của trường F và có kết quả khá tích cực. Mục tiêu ngắn hạn, nhóm kỳ vọng ứng dụng sẽ trở thành một phần trong hệ sinh thái chấm thi của trường F. Còn dài hạn, nhóm hy vọng có thể phát triển cho nhiều trường đại học khác.

“Đồ án “Chấm bài thi thực hành tự động với DevOps” thực sự giải quyết được khá nhiều vấn đề về tính công bằng trong chấm thi, đồng thời, cũng giảm bớt nhiều thời gian và công sức cho cả sinh viên và giảng viên”, Thức cho biết. 

“Hiện tại sản phẩm đã hoàn thiện ở mức ổn định và có thể tiến hành sử dụng với các môn Java Web, Java, C Sharp, C của trường mình. Sản phẩm đã được thầy Kiều Trọng Khánh hỗ trợ chấm bài trên các lớp thật và kiểm chứng về kết quả”, Thức nói thêm.

Lần đầu tiên trải nghiệm làm đồ án online, từ meeting bàn requirement đến review, mọi thứ đều online, đó là những trải nghiệm khá đặc biệt của team “Chấm bài thi thực hành tự động với DevOps” trong kỳ đồ án lần này. 

 

Ứng dụng điện thoại Cổng thông tin học thuật FPT Uni TP.HCM


Tham gia vào kỳ bảo vệ với đồ án phục vụ cho giáo dục, “Ứng dụng điện thoại Cổng thông tin học thuật trường đại học FPT TP.HCM” được mong chờ sẽ mang đến nhiều tiện ích thiết thực cho sinh viên trường F. Bạn Lê Công Hoan, leader của team đã có những bật mí trước khi đồ án chính thức bước vào quá trình bảo vệ.

 

Ảnh demo đồ án thiết kế Ứng dụng điện thoại Cổng thông tin học thuật FPT Uni TP.HCM


Chia sẻ về “nguồn gốc” đồ án “Thiết kế ứng dụng điện thoại Cổng thông tin học thuật trường đại học FPT (FAP)” của nhóm, Hoan cho biết ý tưởng này đến với nhóm cũng khá ngẫu nhiên. Trong khi các bạn đang phân vân giữa nhiều đề tài, ý tưởng làm FAP đột nhiên xuất hiện. Thế là cả nhóm tán thành rồi bắt tay vào thực hiện ngay và luôn. “Một phần, nhận thấy hầu như trường nào cũng đều có một app riêng nhưng trường mình vẫn chưa có, thế là vì tình yêu trường lớp, chúng mình triển khai luôn”, Hoan nói. 


Trang bị nhiều tính năng phục vụ lợi ích sinh viên, đồ án FAP thiết lập một kênh liên kết tới các phòng ban nhà trường. Đây là cơ sở để hỗ trợ cho các bạn sinh viên một cách nhanh nhất và tiện nhất. 


Ban đầu, nhóm vạch ra dự án sẽ có 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 là dành cho các bạn sinh viên. Giai đoạn 2 là dành cho các cán bộ và giảng viên nhà trường. Giai đoạn 3 là dành cho phụ huynh. “Nhưng vì thời gian khá gấp và khối lượng công việc quá nhiều, nhóm mình chỉ hoàn thành giai đoạn 1 cho đề tài đồ án tốt nghiệp. Hi vọng sau này, nhóm mình sẽ kết hợp thêm với nhà trường để bổ sung 2 giai đoạn nữa để dự án có thể hoàn thiện đúng như mong đợi”, trưởng nhóm Lê Công Hoan nói. 


Hoan cũng cho biết nhóm chăm chút rất kĩ về UI cũng như UX của app. Đặc biệt, nhóm đã sàng lọc và lấy ý kiến thực tế từ các bạn sinh viên ĐH FPT qua các bài khảo sát. Từ đó, triển khai đúng các nội dung cũng như ứng dụng cần thiết nhất để đưa vào app, sao cho hiệu quả trong việc phục vụ sinh viên. 


Về chức năng của app, nhóm đang bổ sung thêm rất nhiều tính năng mới cũng như tích hợp những tính năng có sẵn trên web FAP. Chẳng hạn, các bạn có thể track ngay lập tức ngày học và lịch học tại trang chủ. Thêm vào đó, app sẽ mở thêm một trang tin tức về các sự kiện, workshop và CLB . Ngoài ra, FAP còn có tính năng thông báo khi có sự thay đổi lịch học, lịch thi, phòng học… 


Đến nay, những nội dung chính của ứng dụng điện thoại "Cổng thông tin học thuật trường đại học FPT cơ bản đã hoàn thành xong. “Nếu dự án được đưa vào sử dụng thực tế, nhóm hy vọng có thể bổ sung thêm nhiều tính năng cho app cũng như triển khai các giai đoạn kế tiếp”, Hoan nói.


Đây là đồ án cuối cùng của đời sinh viên, nhóm đặt kỳ vọng khá nhiều vào sản phẩm. Nhóm mong muốn sản phẩm sẽ được các bạn sinh viên những khóa sau sử dụng rộng rãi, vì mục đích tạo điều kiện cho quá trình học tập của các bạn được tốt hơn, nhanh hơn và thuận tiện hơn. Từ bản thân sản phẩm (UI, UX), bài thuyết trình cho đến TVC giới thiệu app, đều đã được nhóm chuẩn bị tỉ mỉ. Đủ thấy, tâm huyết của các bạn sinh viên cho đồ án của mình là rất lớn. “Hy vọng mọi thứ sẽ diễn ra thật thành công”, Hoan nói. 

 

Xây dựng hệ thống điểm danh bằng IP camera


Một đồ án khác cũng tập trung cải tiến về việc ứng dụng công nghệ của lĩnh vực giáo dục, đó là sản phẩm “Xây dựng hệ thống điểm danh bằng IP camera”. 

Nhận thấy thầy cô gặp khó khăn trong việc điểm danh lớp học, vấn đề chính đến từ tốc độ mạng khá chậm. Do đó, ngay từ lúc nhà trường lắp thêm camera giám sát lớp học, các bạn sinh viên đã nghĩ rằng những chiếc camera này có thể được sử dụng với nhiều mục đích hơn là chỉ dành cho việc giám sát và theo dõi, nhất là trong thời buổi công nghệ 4.0 như hiện nay.

 


Giao diện đồ án Xây dựng hệ thống điểm danh bằng IP camera

 

Lúc đầu, cả team đã thử nghiên cứu và dần tiếp cận với công nghệ nhận diện khuôn mặt, nhưng lúc đấy mọi thứ chỉ nằm ở mức lý thuyết. Nhóm bắt đầu "mở cờ trong bụng" khi trường xuất hiện nhiều đề tài tốt nghiệp liên quan đến AI hơn, trong đó có đề tài xây dựng hệ thống điểm danh bằng IP Camera từ thầy Kiều Trọng Khánh và thầy Đoàn Nguyễn Thành Hòa. Sau khi thảo luận chọn đề tài, mọi người đều thể hiện sự hứng thú đối với đề tài này, và thế là team ASIC (Attendance System with IP Camera) ra đời… Đó là những chia sẻ của bạn Nguyễn Đình Phú, đại diện team ASIC.


Để tối ưu hiệu quả đồ án, các thành viên của team đã dành rất nhiều thời gian cho việc nghiên cứu và phát triển hệ thống. Theo đó, nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn đọng ở những hệ thống hiện tại, nhóm chia nhau tiến hành khảo sát và phân tích những ưu điểm, đưa ra những giải pháp để xử lý hạn chế của các hệ thống đó, đồng thời nghiên cứu công nghệ để phát triển hệ thống ở mức tốt nhất có thể. 


Sau 4 tháng làm việc của nhóm, sản phẩm đã có thể thực hiện được 2 chức năng quan trọng nhất là điểm danh từng người, điểm danh một nhóm người. Ngoài ra các chức năng hỗ trợ sinh viên theo dõi kết quả điểm danh hay hỗ trợ giảng export kết quả điểm danh để tái sử dụng tại hệ thống khác cũng đang được hoàn thiện. 


Cho biết về sự khác biệt hơn so với các sản phẩm tương tự đã có trên thị trường, đại diện ASIC team nói, “Hầu hết các sản phẩm tương tự khác đều cần kết nối Internet khi sử dụng. Tuy nhiên trong hệ thống chúng mình thì không. Ứng dụng sẽ được cài đặt vào máy giảng viên và thực hiện việc điểm danh mà không cần dùng đến Internet”. 


Ngay từ những ngày đầu thực hiện đề tài, nhóm đã luôn muốn đồ án của mình có thể triển khai trong thực tế. “Nếu được ứng dụng và triển khai thực tế là một niềm vui siêu to khổng lồ đối với nhóm, vì bất cứ developer nào cũng mong được nhìn thấy đứa con tinh thần của mình được đón nhận và sử dụng đúng với mục đích ban đầu của nó. Nhóm hy vọng trong quá trình sử dụng sẽ nhận được nhiều sự đóng góp cải thiện, nhóm sẵn sàng ghi nhận và tiếp tục phát triển để hoàn thiện hệ thống hơn nữa”, bạn Đình Phú nói. 


Sau một thời gian được “cô Vy độ”, mỗi người một nơi, ASIC team với đồ án “Xây dựng hệ thống điểm danh bằng IP camera” cũng như các team với đồ án “Chấm bài thi thực hành tự động với DevOps” và  “Ứng dụng điện thoại Cổng thông tin học thuật trường đại học FPT TP.HCM” đang chuẩn bị sẵn sàng bước vào “trận thử thách” bảo vệ sản phẩm tâm huyết của mình. 


Chúc các team thực hiện sản phẩm đồ án về giáo dục tự tin để bước vào thời khắc quan trọng của sinh viên cuối cấp! 

Hoàng Nhung

Tin tức Liên quan