Những ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên Đại học FPT
Vừa qua, Đại học FPT đã tổ chức buổi Pitching Demo Day. Tại chương trình, rất nhiều ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo và có tính thực tiễn cao của các bạn sinh viên Đại học FPT được các chuyên gia đánh giá cao.

PITCHING DEMO DAY là chương trình thuộc chuỗi môn học Trải Nghiệm Khởi Nghiệp nằm trong khuôn khổ đào tạo của trường Đại học FPT TP. HCM. Sự kiện được tổ chức bởi bộ môn Khởi Nghiệp, trường ĐH FPT với mục đích tạo cơ hội cho các nhóm Startup sinh viên trình bày từ ý tưởng, phát triển sản phẩm cho đến mô hình hoạt động, kết quả kinh doanh dự kiến của mình để thuyết phục, gọi vốn trước các nhà đầu tư. Qua đó giúp các bạn có cái nhìn bao quát về startup cũng như môn học này. Khách mời của chương trình là Founder startup, Venture Capital, chuyên gia tư vấn cùng với các thầy cô bộ môn khối ngành kinh tế.
Tại buổi Pitching Demo Day lần lượt 4 nhóm sinh viên đã trình bày về những mô hình khởi nghiệp do các bạn ấp ủ. Trong đó, các đề tài đều hướng đến mục tiêu giải quyết các vấn đề liên quan đến cộng đồng, xã hội.
Jgo – Nền tảng dạy Tiếng Nhật
Cùng chung niềm đam mê khám phá xứ sở hoa Anh Đào, nhóm sinh viên gồm Nguyễn Thị Thu Thảo, Lê Trần Mỹ Đan, Nguyễn Ngọc Phượng (K14 – Ngành Kỹ thuật phần mềm) và Lê Trần Minh Thông, Lục Nguyễn Việt Hằng, Lê Hoàng Nguyệt Minh (K15 – Ngành Ngôn ngữ Nhật) đã phát triển mô hình Jgo – Nền tảng dạy tiếng Nhật.
.jpg)
Theo đó, ứng dụng Jgo tích hợp 4 kỹ năng (nghe-nói-đọc-viết) cần thiết cho người dùng có nhu cầu học hoặc tìm hiểu tiếng Nhật. Bên cạnh cung cấp các tài liệu, bài thi thử, Jgo còn có các trò chơi để giúp người dùng vừa học vừa giải trí mà không khô khan, nhàm chán. Chính ưu điểm này đã giúp Jgo đem lại trải nghiệm thú vị và thoải mái cho những người dùng muốn chinh phục ngôn ngữ của xứ sở mặt trời mọc.
Nhóm chia sẻ: “Theo tìm hiểu của nhóm thì số người học tiếng Nhật đang tăng lên, đặc biệt là ở Việt Nam. Các ứng dụng học tiếng Nhật trên thị trường tuy nhiều nhưng chưa có ứng dụng nào thực sự chuyên nghiệp hoá quá trình học tiếng Nhật cũng như đem lại trải nghiệm hấp dẫn, kết hợp giữa hình thức học và chơi. Đó là lý do nhóm muốn phát triển ứng dụng Jgo. Để hiện thực hóa ý tưởng, chúng mình đã thực hiện khảo sát nhu cầu người học tiếng Nhật, xây dựng Business Model Canvas, làm mẫu ứng dụng trên website và figma. Nhóm cũng không ngại đặt câu hỏi cho giảng viên và anh chị hướng dẫn, và tìm hiểu cách vận hành qua mẫu pitching deck trong quá trình phát triển ứng dụng”.
Bike Tag - thiết bị móc khoá chống trộm xe máy và các đồ dùng khác
Với mong muốn chung tay hạn chế vấn nạn trộm cắp xe máy, những tài sản có giá trị cao, nhóm sinh viên: Đặng Đông Quân, Phan Phước Thành (K15 – Ngành Kỹ thuật phần mềm) và Tô Ngọc Thanh Vân, Dương Thị Kim Chi, Huỳnh Hữu Thảo Thương (K15 Ngành Ngôn ngữ Nhật) đã cùng nhau ấp ủ, hiện thực hoá Bike Tag – Thiết bị móc khoá chống trộm.
.jpg)
Bike Tag được trang bị hệ thống phát thanh cảnh báo cho những người xung quanh rằng thiết bị này đang bị đánh cắp từ ai đó. Điều đặc biệt, khác với các sản phẩm chống trộm trên thị trường là Bike Tag còn có app truy cập để người dùng có thể cài đặt ứng dụng theo thói quen sử dụng của mình. Bên trong tag còn được tích hợp sim để hỗ trợ cho việc định vị vị trí của đồ vật bị đánh cắp, đồng thời sim cũng hỗ trợ để kích hoạt cuộc những gọi cho cơ quan chức năng như công an. Và ngoài ra, sim còn có chức năng gửi tin nhắn cảnh báo cho người dùng rằng tài sản của họ đang bị đánh cắp.
Yost - Ứng dụng bảo vệ trẻ em khỏi những nội dung độc hại trên không gian mạng
Yost Startup - phần mềm bảo vệ trẻ em khỏi những nội dung độc hại là mô hình được phát triển bởi nhóm 5 sinh viên: Bùi Xuân Hoàn (Ngành An toàn thông tin) và Phạm Phú Huy, Lê Quang Kỳ, Đặng Xuân Đạt, Trịnh Tâm (Ngành Kỹ thuật phần mềm).
.jpg)
Bùi Xuân Hoàn – Team Leader của Yost chia sẻ về ý tưởng: “Mình có một cô em họ, bé năm nay học lớp 5. Bé có thói quen sử dụng các thiết bị điện tử vào mỗi tối, thậm chí những ngày cuối tuần thì có thể kéo dài cả ngày, hay những khi học online chẳng hạn. Câu chuyện này nảy sinh ra vấn đề là phụ huynh của bé đều muốn biết nội dung bé đã xem là phù hợp hay không. Tuy nhiên, không phải lúc nào phụ huynh cũng có thể kiểm soát thường xuyên được. Từ đó, mình cùng những bạn trong nhóm đã nghĩ đến một giải pháp công nghệ giúp người lớn dễ dàng quản lý, theo dõi nội dung và thời gian sử dụng thiết bị điện tử của các bé”.
Theo đó, Yost phát triển dựa trên 3 chức năng chính: 1 - Theo dõi nội dung và phân chia các đề mục theo thể loại nội dung trẻ em xem; 2 - Thống kê các loại nội dung mà trẻ em xem; 3 – Bao gồm 3 chức năng nhỏ hơn - Chặn, Hạn chế và Cho phép các loại nội dung được hiển thị theo ý muốn của phụ huynh. Tệp khách hàng mà Yost hướng đến là các cơ sở giáo dục, các gia đình có các bé nhỏ tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử từ 3-12 tuổi.
DesMe – nền tảng cung cấp sản phẩm thủ công, kết nối các đơn vị sản xuất – vận chuyển – tiêu thụ một cách hiện đại.
Trong thời gian 2 tháng, nhóm 5 bạn sinh viên: Lê Thị Mai Anh (Thiết kế đồ hoạ) và Võ Phạm Thế Hoàng, Võ Vĩnh Trung, Vũ Ngọc Tuấn Anh (Kinh doanh quốc tế) đã cùng nhau xây dựng DesMe - nền tảng cung cấp sản phẩm thủ công, kết nối các đơn vị sản xuất – vận chuyển – tiêu thụ một cách hiện đại.
.jpg)
Sử dụng DesMe, người dùng có thể tìm mua và thiết kế những sản phẩm theo sở thích mang phong cách cá nhân.
Cách thức vận hành của DesMe là khách hàng sẽ được trải nghiệm cách platform bao gồm ứng dụng và trang web. Ngoài việc lựa chọn các sản phẩm với thiết kế có sẵn, khách hàng còn có thể tự thiết kế cho mình sản phẩm theo sở thích cá nhân
Nhóm cho biết, ý tưởng của dự án xuất phát từ thói quen mua đồ handmade của các thành viên, mặc dù sản phẩm handmade có nhiều trên thị trường nhưng để có được một sản phẩm theo ý của mình thì cách duy nhất là phải trao đổi với người thợ. Vậy nên quyết định phát triển dự án DesMe giúp mọi người dễ dàng có được sản phẩm handmade mà mình muốn.
ÁI NHI