Online Talkshow “Hồ sen chờ ai?”: Xa mặt nhưng không cách lòng cùng thầy trò trường F
Vừa qua, Online Talkshow “Hồ Sen chờ ai?” đã diễn ra, thu hút nhiều sinh viên, cán bộ - giảng viên tham gia. Chương trình do Phòng Công tác Sinh viên phối hợp với các giảng viên của trường Đại học FPT TP. HCM tổ chức.
Nối tiếp thành công của Talkshow “Hồ Sen chờ ai?”số đầu tiên, “Hồ Sen chờ ai?” kỳ 2 là không gian để các giảng viên và sinh viên Đại học FPT HCM cùng ngồi lại chia sẻ và giúp nhau giải quyết những vấn đề mà các bạn trẻ gặp phải. Dù qua màn hình Google Meet nhưng chương trình vẫn nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía người theo dõi.

Bên cạnh hai diễn giả chính của Talkshow là cô Hồ Yên Thục và Kiều Thị Thu Chung – giảng viên Bộ môn Kỹ năng mềm, “Hồ sen chờ ai?” lần này còn có sự tham gia của thầy Phạm Công Thành - Giảng viên ngành Công nghệ thông tin và anh La Đức Huy – Cán bộ Tâm lý trường Đại học FPT TP. HCM.
Sau tiết mục văn nghệ mở màn do bạn Lê Thành Đạt biểu diễn, cô Hồ Yên Thục đã giới thiệu đến tất cả khán giả theo dõi chương trình một chủ đề rất phù hợp trong giai đoạn giãn cách xã hội là việc tự chăm sóc sức khoẻ tinh thần của mỗi người. Với tình hình đặc biệt của giai đoạn này, khi việc gặp gỡ, đi lại bị hạn chế và “ở nhà là yêu nước” thì đây cũng là thời gian vàng để mỗi người tự “soi chiếu” lại khoảng không gian bên trong mình, đồng thời xây dựng một thế giới nội tâm phong phú.
Thông qua rất nhiều hình thức như chấp nhận bản thân, học cách chia sẻ với mọi người xung quanh thì nghệ thuật thưởng thức hội hoạ giống như “cây đũa thần” cho hành trình tự yêu thương bản thân. Bằng việc đưa ra các bức tranh của những danh hoạ nổi tiếng như Gustav Klimt, Pablo Picasso, Fernando Botero,… cô Yên Thục đã chỉ ra rằng, học cách “đọc” những tác phẩm nghệ thuật sẽ giúp cho mỗi người dũng cảm hơn, đưa trí tưởng tượng vượt qua những khuôn khổ thông thường và đi xa hơn.
Tiếp đó, cô Thu Chung đã chia sẻ bí kíp để một người có thể mở lòng với mọi người, đặc biệt giữa con cái với bố mẹ. Internet và các thiết bị thông minh phát triển, trở thành phương tiện siêu kết nối con người lại với nhau, nhưng một mặt khác lại làm gãy nứt nhiều mối quan hệ trong xã hội và gia đình. Ngay trong giai đoạn dịch Covid hoành hành, khi tất cả các thành viên có thể ở gần nhau hơn nhưng mức độ gắn kết lại không tỉ lệ thuận với điều này. Do đó, bài tập giúp cho mỗi bạn trẻ biết cởi mở và kết nối nhiều hơn với bố mẹ, người thân bao gồm việc lắng nghe, dành thời gian và quan trọng là biết nói ra những cảm xúc, suy nghĩ của mình để người lớn có thể biết và thấu cảm.

Là một phần quan trọng không thể thiếu của Talkshow “Hồ sen chờ ai?” mỗi số, nhiều sinh viên đưa câu chuyện của bản thân, để nhận được những lời khuyên từ phía giảng viên và cán bộ tâm lý với mong muốn giảm bớt phần nào những mâu thuẫn, khúc mắc và nhận được sự đồng cảm thấu hiểu hơn từ phía cộng đồng. Đó là những vấn đề như hoà nhập ở trường Đại học, việc kỳ vọng/thất vọng quá nhiều vào bản thân, tình cảm đôi lứa hay mâu thuẫn trong gia đình.
Thầy Phạm Công Thành đã chia sẻ với sinh viên về việc tự ti bản thân, rằng đây là cảm giác thường trực mà ai trong chúng ta đều gặp phải, quan trọng là việc mỗi người biết dũng cảm nhìn nhận và chấp nhận nó. Hướng giải quyết cho vấn đề này chính là tự trang bị cho mình khả năng tự nhận thức bản thân, bằng cách xác định biết mình cần gì, đâu là điểm mạnh và điểm yếu của mình, nạp thêm niềm tin, cảm xúc và những động lực tích cực nhất để thúc đẩy bản thân tiến về phía trước.
Song song với quá trình chia sẻ, giải đáp, khi tham gia Talkshow “Hồ sen chờ ai?” mỗi bạn sinh viên còn được tặng những phần quà từ Ban tổ chức là quyển sách bổ ích, lý thú.
Gói gọn trong khoảng 2 giờ đồng hồ, tuy nhiên “Hồ sen chờ ai?” chính là không gian ấm cúng và tin cậy để sinh viên, giảng viên và cán bộ nhân viên trường Đại học FPT TP. HCM có thể tìm đến, chia sẻ, kết nối và đồng cảm cùng nhau. Ngoài những giờ học theo giáo trình, Talkshow giống như một “giảng đường mở” để cung cấp thêm cho sinh viên những thông tin, kiến thức và kỹ năng mềm giúp sinh viên vững vàng hơn trong những khó khăn, trở ngại.
Ái Nhi