6/18 bài nghiên cứu trình bày tại FCBEM đến từ sinh viên Truyền thông Đa phương tiện Đại học FPT

08/10/2024

Ngày 26/11, Hội thảo chuyên ngành Kinh tế – FCBEM 2022 đã diễn ra với sự góp mặt của hơn 100 nhà nghiên cứu. Tại đây, 18 phiên tham luận đồng thời diễn ra trên tinh thần trao đổi, giao lưu cởi mở giữa các diễn giả, nhà khoa học cùng học viên trong và ngoài FPT Edu.

 

Là những nhóm tác giả trẻ, sinh viên ngành Truyền thông Đa phương tiện Đại học FPT khẳng định tinh thần đam mê nghiên cứu khoa học với 6/18 tham luận (1/3 số tham luận) trình bày tại Hội thảo và được đánh giá cao.

Cùng Đại học FPT điểm qua nội dung 6 bài nghiên cứu:  

1/  Đề tài: “The effects of time management on the GPA of Undergraduate students in FPTU HCMC, Faculty of Business Administration”

Bài nghiên cứu tìm hiểu tác động của các yếu tố quản lý thời gian đến kết quả học tập của sinh viên thuộc khối ngành Quản trị kinh doanh tại Đại học FPT TP.HCM, Việt Nam. Từ đó, sinh viên cũng được khuyến khích nâng cao kỹ năng lập kế hoạch quản lý thời gian trong phạm vi ngắn và dài hạn để đạt được thành tích cao hơn trong học tập. Nghiên cứu của Britton và Tesser (1991) đã khẳng định quản lý thời gian hiệu quả có thể mang lại thành tích trong học tập cao hơn. Đối với bậc học Đại học, việc quản lý thời gian hiệu quả có thể giúp sinh viên cải thiện đáng kể kết quả học tập, đặc biệt là Điểm trung bình (GPA). Nghiên cứu này được kỳ vọng sẽ cung cấp những phát hiện rõ hơn về chức năng của các yếu tố quản lý thời gian trong việc nâng cao kết qủa học tập của sinh viên bằng cách sử dụng Mô hình Mental Time Management Model của Britton và Glynn (1989) để phân tích dữ liệu thu thập được thông qua form khảo sát được thu thập online. Form khảo sát sử dụng bảng câu hỏi quản lý thời gian được thiết kế bởi Britton và Tesser (1991). 

 

Nhóm Tác giả: Nguyễn Ngọc Thanh Thảo, Phạm Thị Tú Ngân, Nguyễn Đức Bình, Lý Quốc Phong, Nguyễn Hữu Anh Kiên.

2/  Đề tài: “Cultural value and Emotional appeals in Vietnamese advertising”

Mối tương quan giữa các yếu tố văn hoá và việc khơi gợi cảm xúc trong các quảng cáo từ lâu đã là một xu hướng phổ biến trong ngành công nghiệp này, đặc biệt là tại thị trường Việt Nam, tuy nhiên lại không phải là một đề tài nghiên cứu phổ biến. Charmers sẽ là nhóm tiên phong nghiên cứu mối liên hệ đó tại thị trường Việt Nam thông qua các quảng cáo nổi tiếng như MV “Đi để trở về” của Bitis Hunter X hợp tác cùng ca sĩ Soobin Hoàng Sơn, phim ngắn “Chưa bao giờ mẹ hiểu” của Vinfast và quảng cáo “OMO Cùng vạn trẻ em đón Tết”. Bài nghiên cứu góp phần giải đáp những bài toán hóc búa về quảng cáo tại Việt Nam đến các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đồng thời đóng góp giá trị thực tiễn cho các nghiên cứu khoa học sau này.

Nhóm Tác giả: Nguyễn Khánh Vân, Hoàng Gia Thuyên

3/  Đề tài: Impact of Social Media on Investment Decisions in Cryptocurrency market – A Behavioral Finance perspective

Từ thời điểm đại dịch Covid-19 diễn ra, giá của Bitcoin đã tăng vượt bậc và đạt đỉnh $69,000 vào tháng 7/2021. Điều này đã dẫn đến nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư đến Bitcoin. Tuy nhiên, do sự tham gia ồ ạt và thiếu kinh nghiệm từ nhiều nhà đầu tư nghiệp dư. Đã có rất nhiều trường hợp nhà đầu tư thua lỗ vì nghe theo các lời khuyên đầu tư ở trên mạng xã hội khi chưa có sự kiểm chứng rõ ràng. Để tìm hiểu và lý giải cho những cú thua lỗ “sấp mặt”. Nhóm nghiên cứu đã áp dụng lý thuyết “Tài chính Hành vi” (Behavioral Finance). Được phát triển từ những năm 70 của thế kỷ trước. Đây là lý thuyết được sử dụng để lý giải cho các hành vi bất hợp lý hoặc những thiên kiến trong tư duy mà các nhà đầu tư, kể cả là kỳ cựu hay tay mơ đều mắc phải. Dựa trên “thảm hoạ” LUNA sụp đổ vào tháng 5/2022. Nhóm All in Or Go Home đã thu thập dữ liệu về các tweets của các nhà đầu tư trong dự án LUNA, từ đó phân tích ra được tâm lý để có thể chỉ ra được các thiên kiến và lỗi tư duy thường gặp của nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường tiền điện tử. Đề tài nghiên cứu của nhóm kỳ vọng sẽ là một trợ thủ đắc lực cho các nhà giao dịch trong thị trường tài chính nói chung và thị trường crypto nói riêng. Giúp các nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định đúng đắn và tỉnh táo hơn trước các lời khuyên đầu tư trên mạng xã hội.

Nhóm Tác giả: Đoàn Ngọc Khánh, Bùi Nguyễn Bảo Nghi, Bùi Phạm Phương Quỳnh, Phạm Hồng Phúc, Nguyễn Lê Quốc Bảo.

4/  Đề tài: Vietnamese mainstream media’s framing of LGBT community from 2000 to 2022 and its effect on Vietnamese youngsters’ attitudes: A case of FPT University’s students

Việt Nam là một quốc gia mà các vấn đề liên quan đến cộng đồng LGBT vẫn còn nhạy cảm. Thời gian gần đây, các chủ đề về cộng đồng LGBT dường như xuất hiện nhiều hơn trên các mặt báo tại Việt Nam. Với nghi vấn liệu việc hiển thị trên các phương tiện truyền thông có gây ra bất kỳ thay đổi nào trong thái độ của giới trẻ Việt Nam đối với các nội dung về cộng đồng này, nhóm đã tận dụng học thuyết đóng khung (Framing theory), sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng và định tính để lọc ra các khung truyền thông về cộng đồng LGBT trên báo chí Việt Nam từ năm 2000 đến năm 2022. Nhóm cũng kết hợp giữa thuyết gieo cấy (Cultivation theory) và hiệu ứng đóng khung (Framing effect) để bước đầu phân tích cách các khung này đã ảnh hưởng đến thái độ của giới trẻ Việt Nam về nội dung về cộng đồng LGBT, lấy sinh viên Đại học FPT làm đối tượng khảo sát. 

Nhóm tác giả: Nguyễn Phúc Nguyên, Phan Ngọc Minh Tú, Vũ Quỳnh Hương, Vũ Thùy Dương.

5/ Đề tài: Perception of fpt academic students on esports participation (Quan điểm của học sinh, sinh viên ở các cơ sở Đại học FPT về việc tham gia thể thao điện tử)

Bất chấp những lời chỉ trích nhắm vào tác động tiêu cực của việc chơi game, chúng ta không thể chối cãi rằng thế hệ GenZ đang dành rất nhiều sự chú ý và thời gian dành cho Esports. Nhận thấy xu hướng đó, nhóm Blizzard sẽ sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính để điều tra nhận thức và thái độ của học sinh, sinh viên FPT đối với sự phát triển của Esports, cùng với đó là quá trình tham gia bộ môn này của các bạn. Chưa dừng lại ở đó, cuộc nghiên cứu này còn được nhóm thực hiện dựa trên “học thuyết về hành vi có chủ đích” (Theory of Planned Behavior). Đây là một học thuyết được định nghĩa bởi các yếu tố như thái độ của chủ thể, các tiêu chuẩn dựa trên góc nhìn chủ quan và cách kiểm soát các hành vi có nhận thức. Qua đó, Blizzard sẽ tiến hành công cuộc thu thập và phân tích dữ liệu thông qua những cuộc phỏng vấn với các học sinh, sinh viên thuộc các cơ sở học thuật của FPT trên nền tảng trực tuyến. Với mong muốn trình bày góc nhìn của các game thủ FPT về Esports, đề tài nghiên cứu được kỳ vọng sẽ ghi nhận quan điểm của những người được phỏng vấn, để đưa ra các khuyến nghị và ý kiến đóng góp cho một hệ thống thể thao mang tính hỗ trợ nhằm hướng đến những người tham gia Esports tại các cơ sở FPT nói riêng, và cho toàn thể game thủ thể thao điện tử nói chung.

Nhóm Tác giả: Nguyễn Phước Định Kiên, Lê Thành Hoàng An, Bùi Trần Duyên Duyên, Trương Thành Long, Nguyễn Xuân Lộc.

6/ Đề tài: “Using agenda setting theory and framing theory to examine media reports on 2022 typhoon in Central Vietnam (Implications for Emergency Preparedness, Disaster Response, and Disaster Policy)”

Truyền thông Việt Nam được lập trình trong việc đưa tin bằng cách liên tục đề cập và đưa tin có mục đích về những chủ đề hoặc sự kiện có tính nghị sự với mục tiêu gây ảnh hưởng đến dư luận, các nhà hoạch định và chính phủ từ đó thay đổi các chính sách công cho phù hợp, đặc biệt là trong các vấn đề mới nổi có tính cấp bách như thảm họa thiên nhiên. Khả năng thiết lập chương trình thảo luận công khai của các phương tiện truyền thông đại chúng được gọi là Thiết lập chương trình nghị sự. Thiết lập chương trình nghị sự ảnh hưởng đến các chương trình nghị sự và chính sách công thông qua việc đưa tin có chủ ý về các sự kiện và vấn đề nóng. Không những thế, báo chí còn cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách để họ tổng hợp thông tin nhằm có những chính sách và hành động thiết thực cho xã hội. Bên cạnh đó, báo chí còn đáp ứng những vấn đề nghị sự mà công chúng quan tâm và cần giải đáp. Nghiên cứu này triển khai quá trình Phân Tích Nội Dung, thuyết Đóng Khung và thuyết Thiết Lập Chương Trình Nghị Sự để phân tích nội dung và dữ liệu của đài truyền hình quốc gia Việt Nam VTV cùng với 2 tờ báo nổi tiếng trong nước là báo Tuổi Trẻ và báo Thanh Niên để xem xét cách phương tiện truyền thông phân phối tin tức để định hình và trình bày trong mùa bão ở miền Trung Việt Nam năm 2020 thông qua việc xem xét các bài báo, truyền hình về hỗ trợ về các hoạt động quản lý thảm họa và y tế như (chuẩn bị, ứng phó và phục hồi) và đánh giá xem với các chính sách đưa tin tiến tiến của truyền thông Việt Nam có thực sự hướng dẫn chính quyền tỉnh, địa phương và người dân trong việc phòng tránh thiên tai hay không.

 

Nhóm Tác giả: Lê Ngô Hoàng Anh, Lê Xuân Tùng, Hà Anh Tài, Nguyễn Ái Xuân, Nguyễn Can Nhã Thuyên, Lê Văn.

6 đề tài được hướng dẫn bởi Cô Lê Thị Mỹ Danh – Giảng viên ngành Truyền Thông Đa Phương Tiện tại Đại học FPT TP.HCM, Tiến sĩ Khoa học & Xã hội và Chính trị, chuyên ngành Global Media, Đại học Waikato, New Zealand và cô Nguyễn Thị Thùy Hiền, Giảng viên ngành Truyền Thông Đa Phương Tiện tại Đại học FPT TP.HCM, 2 bằng Thạc sĩ về chiến lược Marketing, Media và Communications, Đại học London, Vương Quốc Anh.

 

“Là thành viên của nhóm Giảng viên Cố vấn cho các bạn trẻ, mình cảm thấy rất may mắn khi được gặp và hướng dẫn nhóm sinh viên ngành Truyền thông Đa Phương tiện – ĐH FPT TP. Hồ Chí Minh. Các bạn sinh viên GenZ chưa bao giờ từ chối bất cứ thử thách nào của team mentor đặt ra, dù là những lĩnh vực mới (Cryptocurrency và social media), khó (tâm lý học truyền thông) và, thậm chí là nhạy cảm (sex-education) trong nghiên cứu và ứng dụng nghiên cứu khoa học. Mình hy vọng và tin tưởng rằng, bằng con đường nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn mà trường ĐH FPT đang thực hiện, các bạn sinh viên ĐH FPT sẽ là lực lượng tri thức tài năng của Việt Nam, đại diện Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế” – giảng viên Lê Danh chia sẻ.

 

Hội thảo chuyên ngành Kinh tế (FCBEM) 2022 là sự kiện học thuật, nghiên cứu khoa học về các lĩnh vực như Kinh doanh quốc tế, Digital Marketing, Quản trị truyền thông đa phương tiện, Quản trị khách sạn, Quản trị Dịch vụ du lịch và lữ hành, Tài chính doanh nghiệp… dành cho CBGV, chuyên gia, SV, HV ngành Kinh tế trong và ngoài FPT Edu. Đây là một diễn đàn NCKH thường niên góp phần nâng cao năng lực, thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học trong và ngoài FPT Edu phát triển sâu rộng.

THÙY ANH (Tổng hợp)

Chia sẻ qua: