Vượt qua gần 1000 tân cử nhân trong đợt tốt nghiệp vừa qua, 4 gương mặt thủ khoa nđã bước lên bục vinh danh của lễ Tốt nghiệp trong sự chứng kiến của gia đình và bạn bè. Đó là các bạn Nguyễn Minh Uyên – Thủ khoa Khối ngành Kinh tế (đợt 1-2022), Lưu Gia Ngọc – Thủ khoa Khối ngành Ngôn ngữ – Đồ họa (đợt 1-2022), Phan Huỳnh Đăng Khoa – Thủ khoa Khối ngành Kỹ thuât (đợt 1-2022), Nguyễn Nhật Minh – Thủ khoa Khối ngành Kỹ thuật (đợt 3-2021). Cùng lắng nghe những chia sẻ và “học lỏm” ngay bí kíp từ dàn thủ khoa nhé!
Tiến sĩ Trần Ngọc Tuấn trao bằng khen và cúp cho các thủ khoa trong Lễ Tốt nghiệp.
NGUYỄN MINH UYÊN – THỦ KHOA KHỐI NGÀNH KINH TẾ
“Lúc đứng trên sân khấu của Hội trường, nghe tên mình được xướng lên ở danh hiệu Thủ khoa khối ngành Kinh tế, cảm xúc của mình gói gọn chỉ trong một chữ thôi, là “vui”. Thực ra thì mình đã biết tin mình đạt danh hiệu Thủ khoa qua email thư mời, lúc đó mình đã “bùng nổ” hạnh phúc lắm rồi. Nhưng mà tại lễ Tốt nghiệp, trong không khí buổi lễ trang trọng, có thầy cô, có gia đình và có bạn bè chứng kiến và chúc mừng, càng khiến mình vui, hạnh phúc hơn nữa.
Để kể một điều thật riêng mà mình đã nhận được từ Đại học FPT sau 4 năm học thì mình nghĩ đó là sự “trưởng thành”. Bước chân vào trường là bước chân vào một thế giới năng động và đầy sự thúc đẩy để mình luôn luôn phải nỗ lực để rèn luyện, để làm mới chính mình. Đó là các hoạt động, cuộc thi để mình thoả sức trải nghiệm, lăn xả. Hay cả chính sách cho phép sinh viên được vừa học vừa làm sau kỳ OJT nếu có hợp đồng lao động toàn thời gian với doanh nghiệp. Chính điều này đã mở ra rất nhiều cơ hội cho mình, giúp mình được học hỏi, mở mang hơn rất nhiều trong quãng thời gian 1 năm vừa học vừa làm đó. 4 năm về trước, mình từng xuất hiện trên bài báo của trường để chia sẻ về câu chuyện giành học bổng 100%. Nếu đọc lại bài báo ấy và so sánh với hôm nay, có lẽ điểm khác biệt nhất giữa mình và cô bé 18 tuổi khi ấy chính là sự “trưởng thành” đó!
Mình cảm ơn những thầy cô ở Đại học FPT, cảm ơn cô Nguyễn Quốc Thụy Phương rất nhiều. Cô Thuỵ Phương đã giúp mình không chỉ trong việc học tập, nghiên cứu mà còn trong định hướng nghề nghiệp tương lai nữa. Mình biết ơn cô Phương vì đã không giữ khoảng cách, yêu thương tụi mình hết mực, luôn trò chuyện và cho tụi mình lời khuyên như một người bạn, người mẹ.
Sau rất nhiều kết quả mà bản thân đã được trong hành trình học tập tại Đại học FPT, là danh hiệu Cóc Vàng kỳ Spring 2019, sinh viên top 5 khối ngành các kỳ liên tiếp, giải Nhì kỳ thi Nghiên cứu khoa học và danh hiệu Thủ khoa đầu ra khối ngành Kinh tế thì bí quyết lận lưng của mình đó chính là là sự chủ động. Khi học tập hay nghiên cứu mà vấp phải vấn đề khó, phải chủ động tìm kiếm câu trả lời ngay. Có những nguồn tài liệu “không tính phí” như Google và cả… giảng viên nữa. Thường thì mình sẽ trao đổi với thầy cô nếu có điều gì thắc mắc mà tìm kiếm Google cũng không cho mình được câu trả lời. Vì học tập chủ động luôn tốt hơn là tiếp thu kiến thức bị động mà!
Hiện tại mình đang làm Trợ lý Truyền thông tại một doanh nghiệp và mình thực sự tận hưởng công việc này. Nhờ khung chương trình của ngành Truyền thông đa phương tiện ở trường, mình được tiếp xúc với đa dạng các kiến thức cả về kinh tế, thiết kế hay biên tập,… nên hiện có thể đáp ứng tốt yêu cầu của công việc”.
LƯU GIA NGỌC – THỦ KHOA KHỐI NGÀNH NGÔN NGỮ – ĐỒ HỌA
“Đến lúc được gọi tên và bước chân lên sân khấu mình mới thật sự tin rằng mình là Thủ khoa. Cảm xúc của mình khi đó cũng rất xúc động và tự hào về bản thân nữa, vì mình đã không lãng phí công sức, tiền bạc và cả sự kỳ vọng mà gia đình dành cho mình. Trước đó, vì không muốn mất một bài giảng nào từ thầy cô mà mình đã chạy xe máy quãng đường gần 30 cây số cả đi lẫn về trong suốt khoảng thời gian học tại Đại học FPT mà không nghỉ học buổi nào. Người ta hay nói trước đắng sau ngọt, và cái ngọt mình nhận được trong ngày tốt nghiệp chính là niềm tự hào của ba mẹ.
Những ngày theo học ngành Ngôn ngữ Nhật – Đại học FPT, mình rất ấn tượng và yêu quý sự nhiệt tình, tận tâm của các giảng viên. Vì ngoài ngôn ngữ ra, mình còn học hỏi được nhiều điều hay như kỹ năng sống, kỹ năng làm việc với người Nhật. Thầy cô trong tụi mình luôn là những đại gia… vì rất giàu tình cảm. Bao giờ cũng mở ra cho tụi mình rất nhiều buổi workshop, chuyến đi trải nghiệm, vui nhất là chuyến đi Bến Tre và Tiền Giang vào hồi tháng 1/2021 cùng thầy Huỳnh Tấn Hội.
Trong bộ sưu tập 10 bằng khen sinh viên giỏi, xuất sắc và thủ khoa khối ngành Ngôn ngữ, thì bí quyết của mình là học một cách chủ động. Nếu bản thân mình muốn biết nhiều, muốn nắm bắt nhanh thì mình luôn chủ động trong việc tìm hiểu tài liệu, học bài, nắm bắt trước những kiến thức trong khả năng có thể để khi vào lớp chỉ cần xác nhận những phần mình đã tìm hiểu và hỏi những phần mình chưa hiểu thì đã có thể ghi nhớ kiến thức đó rồi. Nhờ vậy mà thời gian lên lớp mình có thể tương tác nhiều với giảng viên và mở rộng vấn đề theo nhiều khía cạnh khác nữa.
Mình hy vọng rằng những “kohai” ngành ngôn ngữ Nhật sẽ luôn tìm thấy niềm vui khi học tiếng Nhật và nhận thấy điều thú vị hay ho của ngôn ngữ khó thứ 3 thế giới này. Hãy luôn nhớ vì sao mình chọn ngôn ngữ Nhật và nhắc nhở bản thân phải cố gắng hết mình vì cái mình đã chọn.
Hiện tại mình đang thử sức vị trí supervisor tại khách sạn sử dụng 100% vốn từ Nhật tại quận 1 – TP. Hồ Chí Minh. Công việc hằng ngày được tiếp xúc với khách Nhật nên mình có rất nhiều cơ hội để vận dụng những gì đã học đặc biệt là Business nihongo. Sắp tới nếu sắp xếp được thời gian mình có dự định học thêm về ngành quản trị khách sạn để phục vụ cho công việc hiện tại”.
PHAN HUỲNH ĐĂNG KHOA – THỦ KHOA KHỐI NGÀNH KỸ THUẬT
“Giây phút bước lên bục vinh danh thủ khoa trong “buổi học cuối cùng” tại Đại học FPT, mình vừa vui vừa có chút tiếc nuối. Vui vì ở hàng ghế bên dưới, có gia đình mình đang dõi theo và tự hào. Còn hơi buồn một chút, vì hôm nay đã là “buổi học cuối cùng” và vì một vài lý do mà mình đã không thể có tấm hình chụp chung cùng các bạn đã đồng hành cùng mình suốt 3 năm qua.
Mình luôn biết ơn những thầy cô giáo đã dạy dỗ, kiến thiết cho mình thật nhiều kiến thức. Nếu kể tên hết thì nhiều, nhưng nếu chỉ một thì mình xin phép được gửi lời cảm ơn đến thầy Phạm Công Thành. Nhờ có sự tâm huyết và sẵn sàng dành thời gian, tối khuya hay cuối tuần khiến cho mỗi bài học bớt khô khan và nhọc nhằn hơn. Nhất là giai đoạn Thầy đồng hành cùng tụi mình lúc “chạy nước rút” làm đồ án. Tất cả đã thôi thúc tụi mình cùng nỗ lực và đạt kết quả thật tốt.
Trong suốt những tháng ngày theo học tại Đại học FPT, ngoài những kiến thức và kỹ năng được bồi đắp dày lên theo từng ngày thì món quà ý nghĩa nhất mà mình nhận được chính là những người bạn. Nếu không có các bạn thì thời gian học vừa qua sẽ rất khô khan, và có thể mình đã không đạt được danh hiệu này. Dù sau này có còn gặp lại nhau hay không thì mình cũng mong các bạn sẽ nhớ rằng mình đã từng có khoảng thời gian tươi đẹp tại đây.
Nói về phương pháp học tập thì mình nghĩ bản thân mỗi người sẽ có cách học khác nhau. Đối với mình thì đôi lúc sẽ mình thích học tập một mình, ngồi quán cafe để có không khí yên tĩnh và thoải mái. Đôi lúc thì ngồi với bạn để cùng nhau hỏi han, cũng như là trò chuyện thư giãn những lúc giải lao để giảm bớt căng thẳng, dù thời gian cười đùa đôi khi còn nhiều hơn thời gian ngồi học thật sự”.
NGUYỄN NHẬT MINH – THỦ KHOA KHỐI NGÀNH KỸ THUẬT
“Trong 4 năm học tại Đại học FPT, điều mình tâm đắc nhất vẫn là môi trường năng động, giảng viên luôn tận tâm và nhiệt tình. Ở đây, các hoạt động luôn “mời sẵn” để mình được tham gia và trải nghiệm. Còn giảng viên thì… hết nước chấm. Chính thầy cô là những người đã có ảnh hưởng rất lớn đến mình trong quãng thời gian học tập. Thầy cô không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn truyền cảm hứng nữa.
Đối với bản thân, phương pháp học tập mà mình hay áp dụng đó là hãy lặp lại những kiến thức đã được học bằng cách dạy lại cho một người bạn khác, để giúp nhau cùng tiến bộ nếu có thể. Với cách này, mình vừa ôn lại kiến thức, vì tìm tòi đào sâu để hiểu sâu và nhớ lâu hơn.
Hiện tại mình đang là Java Developer tại FPT Software. Trong tương lai, mình dự định sẽ theo học Thạc sĩ để một ngày không xa, mình có thể quay về trường và tham gia giảng dạy. Bởi mình nghĩ, vốn kiến thức mình tích lũy được là cái mà người đi dạy có thể chia sẻ lại với người học, đâu đó nó như một kim chỉ nam cho các em có thêm động lực để bước xa hơn”./.
ÁI NHI