Cóc Vàng Lê Trung Hiếu: “Chỉ cần cố gắng hết mình, nhất định sẽ được hồi đáp”

07/10/2024

Luôn giữ từ khoá “cân bằng” làm tâm điểm cho mọi nỗ lực, Lê Trung Hiếu đã chinh phục danh hiệu Cóc Vàng kỳ Spring 2021 với số điểm 9.8 một cách ấn tượng. 

Đại học và những chữ “Tự” 

Lê Trung Hiếu hiện đang là sinh viên năm 2 – ngành Trí tuệ nhân tạo (AI) tại Đại học FPT TP. HCM. Kể về con đường đến với ngôi trường 3 chữ FPT, là mùa hè cuối cùng trong thời học sinh – năm 2019, Hiếu cùng bạn bè đứng trước lựa chọn quan trọng đầu tiên của cuộc đời: chọn ngành và trường đại học. Sau kỳ thi THPT Quốc gia, vì muốn có thêm cơ hội lựa chọn, Hiếu cùng bạn từ Quảng Trị vào Đà Nẵng dự thi học bổng của Đại học FPT. Kết quả, Hiếu xuất sắc ẵm luôn con số 100% tròn trịa tuyệt đối. Ngày biết tin vui “to đùng” về học bổng cũng là lúc Hiếu nhận giấy báo nhập học của một trường Đại học khác. Chọn con tim hay là nghe lý trí, đắn đo mãi, rồi Hiếu chọn FPT. 

 

 


Trở thành tân sinh viên cũng là lúc Trung Hiếu bắt đầu khoác lên mình nhiều chữ “Tự”. “Tự lập”, “Tự học” và kể cả “Tự tin” để bứt phá bản thân khỏi vùng an toàn. Lên Đại học, ở xa nhà, Hiếu có nhiều không gian và cả sự tự lập để đưa ra quyết định về những việc mình làm, con đường mình đi. Tuy nhiên Hiếu cho rằng cuộc sống không ràng buộc đôi khi là cái bẫy nếu chúng ta dễ thả phanh trước các cám dỗ nhàn rỗi, tự do. 

Trung Hiếu cũng không ngại bộc bạch, ở ngưỡng cửa 19, bản thân từng không tránh khỏi cảm giác “không biết mình muốn gì” và “chới với” khi nhìn vào thành công của người khác. Thời gian đầu, khi chưa hoà nhập với môi trường Đại học, những lúng túng, va vấp ghé thăm cũng là điều dễ hiểu. Nhưng suy cho cùng, mọi áp lực đều có cách giải quyết. Từ những bước chân nhỏ, dần dần Hiếu đã định hình được đâu là mục tiêu mà mình phấn đấu. “Hành trình tự thân của mình không có nghĩa là đơn độc. Ở FPT mình vẫn có thầy cô hỗ trợ, có hội bạn học hết sức chơi hết mình” – Lê Trung Hiếu. 

Cộng hưởng từ môi trường học tập mang lại nhiều trải nghiệm mới lạ cùng nhịp sống phương Nam hào sảng, Hiếu như một con kén, tự lột mình ra khỏi vỏ bọc. Hình dung về giảng đường Đại học trong Hiếu bây giờ đã khác. Không còn gói gọn trong những bức tường, chỉ có phòng học, giáo trình, thư viện, Đại học đối với Hiếu là một thế giới rộng mở. Học nhưng đồng thời tích cực tham gia hoạt động, Hiếu đã mang về cho mình nhiều cơ hội trải nghiệm, tự khám phá và tìm thấy chính mình. “Mình gặp được những người giúp mình mở mang đầu óc, đúng nghĩa đi một ngày đàng học một sàng khôn”. 

Kết qủa của quá trình nỗ lực chuyển mình này là danh hiệu sinh viên xuất sắc qua các kỳ và ẵm trọn danh ngôi vị Cóc Vàng với số điểm “vạn người mê”. 

Thái độ quyết định thành công của mỗi người

Khi nhìn vào thành tích học tập với số điểm cao đáng thuyết phục, nhiều người hẳn sẽ không ngần ngại gắn ngay những chiếc mác “áp lực”, “cày ngày cày đêm”. Tuy nhiên Trung Hiếu cho rằng chuyện áp lực hay nhẹ nhàng, Đại học bận bịu hay nhàn rỗi là tuỳ theo cách nhìn nhận và khả năng sắp xếp, cân bằng của bản thân. “Mình tin rằng thái độ tốt quyết định phần lớn thành công của mỗi người. Đó là một thái độ tốt là giữ tinh thần tích cực, hành động tích cực và luôn có trách nhiệm trong mỗi quyết định, việc làm của mình”. 

 

Xem thêm:

 

Cân bằng với Hiếu là cân bằng giữa thời gian học với cuộc sống cá nhân, cân bằng giữa học trên lớp với học thêm các kiến thức ở bên ngoài. Hiếu giải thích, việc học ở giảng đường thôi thì chỉ là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ để có thể lĩnh hội kiến thức. Đại học đòi hỏi sự tự học, quá trình tự đào sâu, tự mày mò, tìm hiểu. Nhưng điều này cũng không có nghĩa là chúng ta ngần ngại không dám tỏ bày những câu hỏi với thầy cô sau giờ học. Hiếu bật mí, email thầy cô luôn sẵn sàng chờ đợi những thắc mắc của sinh viên gửi về. Thầy cô còn mách nước các đầu sách hay dành cho chuyên ngành và những khoá học bổ ích. 

 

Đồng thời, cân bằng là không gò ép bản thân phải học bao nhiêu tiếng mỗi ngày, thay vào đó chỉ cần tạo ra một thời gian biểu phù hợp. Hằng ngày chúng ta dành thời gian để học, nhưng cũng dành thời gian cho những việc khác như gọi điện thoại cho gia đình, chơi thể thao, tham gia câu lạc bộ. Như vậy, mỗi người sẽ cảm thấy thích thú và “dễ thở” hơn, chứ không phải là cảm giác “luôn bị đầy” khi “phải” ngồi vào bàn học. Bên cạnh đó, Hiếu có đam mê về tìm hiểu tâm lý. “Khám phá tâm lý là một cách để mình tự hiểu chính mình. Từ đó giúp bản thân thoát khỏi căng thẳng” – Lê Trung Hiếu. 

“Nhận giải thưởng Cóc Vàng là một vinh dự lớn với mình, cũng là một áp lực lớn nhắc nhở mình phải nỗ lực hơn. Đạt thành tích dĩ nhiên là phấn khởi và tự hào nhưng có một điều chắc chắn rằng kiến thức học được sẽ quan trọng hơn điểm số. Trước mắt mình vẫn sẽ tích cực học tập để chuẩn bị cho những môn chuyên ngành khó hơn, cho kỳ OJT ở học kỳ 6 và xa hơn là trở thành một” – Cóc Vàng Trung Hiếu chia sẻ. 

Ái Nhi 

 

Chia sẻ qua: