Vừa qua, tham luận khoa học của giảng viên Nguyễn Thị Minh Huế (Trưởng bộ môn Lý luận thẩm mỹ, ngành Thiết kế đồ họa) là 1 trong 2 tham luận đại diện trường ĐH FPT tham gia Hội thảo Khoa học quốc tế: “Giáo dục Văn hóa – Nghệ thuật trong bối cảnh hội nhập Quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0”. Hội thảo quy tụ hơn 200 đại biểu đến từ các đơn vị giáo dục trong nước và nước ngoài như Nhật Bản, Bồ Đào Nha…
Đề tài nghiên cứu của giảng viên Nguyễn Thị Minh Huế là “Ngũ sắc Huế”. “Ngũ sắc Huế” bao gồm các màu: đỏ, vàng, lục, tím, trắng mang đặc trưng văn hoá và tâm lý bản địa Huế sâu sắc. Ngôn ngữ biểu cảm trong năm màu sắc ở tham luận đã thể hiện được tư tưởng, vai trò thẩm mỹ của nền mỹ thuật nước ta dưới Triều Nguyễn; vừa khẳng định bản sắc dân tộc riêng trước những ảnh hưởng các nền văn hoá, tư tưởng triết học và tôn giáo từ Trung Quốc, Ấn Độ và Chăm Pa…
“Khi nghiên cứu về “Ngũ sắc Huế”, ngoài việc tìm ra những ý nghĩa, giá trị nghệ thuật, mình còn mong muốn giới thiệu bộ ngũ sắc Huế với vai trò là một bảng màu đẹp theo hướng tiếp cận của khoa học nghệ thuật, mang đặc trưng truyền thống Huế nói riêng, Việt Nam nói chung đến các sinh viên các trường Mỹ thuật, Thiết kế, những người đang trong quá trình học tập, nghiên cứu và tìm kiếm cái đẹp”. – cô Huế chia sẻ.
Trong quá trình hoàn thành bài nghiên cứu, vấn đề khó khăn của cô là chưa tự tay chụp được tất cả những hình ảnh minh hoạ cho bài viết. Do đó, cô phải mất khá nhiều thời gian để tìm hiểu và xin bản quyền sử dụng một số hình ảnh từ tác giả. May mắn, mọi người đều rất hứng thú với đề tài và đã nhiệt tình hỗ trợ.
Theo cô Huế, “kỹ năng thực hành sẽ giúp bạn trở nên chuyên nghiệp, kỹ năng nghiên cứu sẽ giúp bạn trở thành chuyên gia”. Kỹ năng nghiên cứu vô cùng quan trọng để giúp bạn am hiểu sâu sắc và thành công hơn công việc của mình từ thực hành đến lý thuyết học thuật. Chính vì vậy, môi trường giáo dục là nơi tuyệt vời nhất để sinh viên cũng như các thầy cô giáo bắt tay vào nghiên cứu khoa học song song với việc học hỏi và rèn luyện những kỹ năng nghề nghiệp khác.
Tốt nghiệp Thạc sĩ Lý luận và lịch sử Mỹ thuật, cô Huế chia sẻ thêm về cơ duyên đến với nghề giáo từ những bài nghiên cứu khoa học. “Mình yêu thích việc nghiên cứu từ hồi sinh viên và luôn muốn chia sẽ những kiến thức cũng như tình yêu nghệ thuật đến mọi người, nhưng mình lại khá rụt rè vì vậy không chọn nghề giáo”. Tuy nhiên, nghề giáo đã chọn mình sau khi mình giới thiệu một bài tham luận khoa học về Nghệ thuật ứng dụng năm 2017 và được bạn bè quan tâm, giới thiệu giảng dạy ở một số trường từ đó đến nay.
Để truyền cảm hứng cho các bạn sinh viên, cô Huế thường kể những câu chuyện nhỏ, những trải nghiệm thực tế liên quan đến nội dung bài vở để giờ học thú vị hơn.
Đối với sinh viên Thiết kế Đồ hoạ, ngoài việc nắm vững các phần mềm thiết kế, việc tìm hiểu quan sát đời sống, văn hoá, nghệ thuật và thiên nhiên… cũng có vai trò vô cùng quan trọng, để làm giàu thêm ý tưởng trong quá trình sáng tạo và hình thành phong cách cá nhân đặc trưng của mình.
Dẫn câu nói của triết gia người Pháp René Descartes: “Tôi tư duy, nên tôi tồn tại” (Cogito, ergo sum). “Mình nghĩ đi nhiều, đọc nhiều thì mình mới có nhiều thứ để tư duy, có tư duy mình mới tồn tại một cách đầy ý nghĩa trong cuộc đời này” – cô Huế tâm sự.
HANA