[THẦY CÔ TRƯỜNG F] 10 năm theo đuổi đam mê và hành trình truyền lửa Đồ hoạ của ThS Phan Bảo Châu

08/10/2024

Đến với ngành Thiết kế đồ họa (Digital Art & Design) một cách ngẫu nhiên nhưng giảng viên Phan Bảo Châu đã có dấu ấn đặc biệt thông qua những dự án như: triển lãm sắp đặt “Ego – Bản ngã và Đô thị”, “ASAP – Cái chết trong không khí”, Simia De Chorus ‘19… Với quan điểm: “Thiết kế phải gắn liền được sản phẩm của mình với đời sống xã hội. Nghệ thuật không phải chỉ làm đẹp cho đời mà còn cần phải giúp ích được cho đời”, cô Châu đã truyền cảm hứng cho nhiều sinh viên Đại học FPT. 

 

10 năm theo đuổi đam mê

 

Đến với ngành một cách ngẫu nhiên, cô Phan Bảo Châu Giảng viên ngành Thiết kế đồ họa – ĐH FPT TP.HCM chia sẻ, “Mình sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật. Khi còn đi học cấp 2, cấp 3 mình cũng tham dự nhiều cuộc thi về vẽ tay, vẽ trên máy vi tính và cũng may mắn đạt được các giải thưởng nhỏ. Nhưng khi đó mình chưa nghĩ đến việc theo đuổi ngành Thiết kế Đồ hoạ”. 

 

Tốt nghiệp cấp 3, thi đỗ một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, học tập một thời gian ngắn, cô bắt đầu tập tành “mê” làm thiết kế. Thời gian đó, cô cũng đã loay hoay khá lâu vì ngành Thiết kế đồ họa có rất nhiều chuyên ngành hẹp, mỗi mảng đều mang những đặc thù thú vị nhất định. 

 

Tuy nhiên, với quan điểm “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”, cô quyết định lựa chọn một hướng đi để tận tâm dồn hết năng lượng và niềm đam mê. “Lúc đó may mắn mình đã được sang Sydney theo học về Đồ hoạ Digital. Kể từ giai đoạn này mình biết rằng mình phù hợp và muốn theo đuổi một cách nghiêm túc trong lĩnh vực thiết kế Đồ hoạ Kỹ thuật số” – cô Châu kể lại. 

 

Mới bắt đầu “chân ướt chân ráo” vào nghề Thiết kế đồ họa, cô Châu gia nhập làng thiết kế truyền thông ở Leo Burnett Vietnam từ những năm 2010, sau đó chuyển qua Úc học tập và tu nghiệp gần 6 năm. Hiện tại, với 10 năm hoạt động trong lĩnh vực Đồ hoạ Digital, song song với việc giảng dạy tại ĐH FPT TP.HCM, cô cũng tham gia nhiều dự án cho doanh nghiệp. 

 

 

Vừa qua, hành trình theo đuổi đam mê Digital Art & Design của cô gặt hái được khá nhiều quả ngọt.

 

Hành trình truyền lửa cho sinh viên

 

“Năm 2019 đối với mình là một năm khá trọn vẹn với nhiều dự án tâm huyết” – cô nói. Đầu năm 2019, cô Phan Bảo Châu tổ chức Sự kiện gây quỹ từ thiện Simia De Chorus ‘19 vào ngày Valentine và gây quỹ được 35 triệu đồng để giúp đỡ cho trẻ em và người lớn tuổi ở Gia Lai. Đến cuối năm 2019, cô Châu tiếp tục tổ chức thành công triển lãm Digital Connection ‘19 phối hợp với Hội Mỹ thuật TP.HCM. Đây là một triển lãm với các tác phẩm tranh minh hoạ kết hợp công nghệ AR và các bộ phim hoạt hình 2D do sinh viên ngành Thiết kế đồ hoạ Đại học FPT TP.HCM thực hiện. Khép lại năm 2019, cô thực hiện sự kiện Giáng sinh gây quỹ mang tên Light, quyên góp gần 15 triệu đồng để giúp đỡ cho các nghệ sĩ già ở Viện Dưỡng lão Nghệ sĩ TP.HCM. 

 

Theo đuổi triết lý nghệ thuật vị nhân sinh, cô cho biết, “Nhà thiết kế phải gắn liền được sản phẩm của mình với đời sống xã hội. Nghệ thuật không phải chỉ làm đẹp cho đời mà còn cần phải giúp ích được cho đời”.

 

Cũng trong năm 2019, cô hướng dẫn nhiều dự án phim sinh viên và ghi nhận được các giải thưởng danh giá như: Cánh diều Việt Nam 2019 – Phim hoạt hình ngắn Bà Tôi, Halo Dot Awards 2019 – giải nhì với phim hoạt hình ngắn Unexpected Guest, Taiwan International Student Design Competition 2019 – Phim hoạt hình ngắn Planet, 22nd DigiCon 6 Asia – Asia’s Supreme Short Movie Contest – Phim hoạt hình ngắn Đo Đo…

 

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều dự án phải hoãn lại. Tuy nhiên, cô cũng đã kịp hoàn thành 2 dự án lớn cùng với các sinh viên và cựu sinh viên ngành Thiết kế Đồ hoạ tại Đại học FPT. Đó là triển lãm sắp đặt “ASAP – Cái chết trong không khí” và triển lãm sắp đặt “Ego – Bản ngã và Đô thị”.

 

Theo chia sẻ từ cô Bảo Châu, triển lãm sắp đặt “ASAP – Cái chết trong không khí” – với thông điệp về tác hại của bụi mịn trưng bày các mô hình in 3D, sản phẩm video arts đã gây được một số ảnh hưởng nhất định đến cộng đồng yêu nghệ thuật. Với triển lãm “Ego – Bản ngã và Đô thị”, cô cùng với 2 cựu sinh viên ngành Thiết kế Đồ hoạ – Đại học FPT cũng đã xuất sắc giành giải Nhất tại Trại sáng tác nghệ thuật sắp đặt được tổ chức bởi Liên hiệp các Hội văn học và Nghệ thuật Thành phố và Hội Mỹ thuật Thành phố với chủ đề “Tuổi trẻ và tương lai thành phố”. 

 

“EGO – Bản ngã và Đô thị” – “Công trình may mắn đạt được giải nhất, là một niềm tự hào của nhóm tác giả khi sản phẩm tâm huyết nhận được sự đón nhận của hội đồng chuyên môn”, cô Châu cho biết. 

Khi mức sống của con người ngày một cao, nhu cầu về thẩm mỹ cũng ngày càng lớn. Ngành thiết kế đồ hoạ nói riêng và ngành công nghiệp sáng tạo nói chung, không đơn thuần là tạo ra các sản phẩm đẹp, nó là việc tư vấn và giải quyết những vấn đề/nhu cầu từ đời sống. Nhu cầu từ đời sống lúc nào cũng có, chỉ là chúng ta có đủ năng lực và tầm nhìn để đưa ra những giải pháp tối ưu nhất và cũng phù hợp nhất hay không. Trong lĩnh vực Đồ hoạ kỹ thuật số, nhu cầu thị trường trong việc tạo ra những sản phẩm đồ hoạ bằng phương pháp hiện đại như công nghệ hoạt hình 2D (2D Animation), công nghệ đồ họa động (motion graphic), công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR)… là rất cao nhưng nhân lực cho ngành này thì chưa nhiều. Ở Việt Nam hiện nay, cũng chưa nhiều trường đại học có giảng dạy chuyên sâu về chuyên ngành đồ hoạ Digital. Đó là những đánh giá tâm huyết của cô Phan Bảo Châu sau hơn 10 năm gắn bó với ngành Thiết kế đồ họa.

 

Với vấn đề nhu cầu của thị trường trong lĩnh vực Đồ hoạ kỹ thuật số rất nhiều nhưng nhân lực luôn thiếu, Đại học FPT là một trong những trường đại học đầu tiên ở TP.HCM đào tạo ngành thiết kế Đồ hoạ theo định hướng Digital – ứng dụng công nghệ hiện đại trên nền tảng thẩm mỹ để tạo ra những sản phẩm đột phá, ấn tượng, mang tính ứng dụng và hội nhập. 

 

“Cũng chính vì lẽ đó, mình chọn Đại học FPT cho đến hiện tại. Bản thân mình cũng giảng dạy ở nhiều trường đại học trong khu vực TP.HCM, mình nhận thấy triết lý giáo dục ở Đại học FPT rất văn minh, đó là việc Tổ chức và quản trị việc tự học cho người học. Học đại học không chỉ tôi luyện cho sinh viên năng lực chuyên môn, đó còn là nơi rèn luyện cho người học tư duy khai phóng, năng lực tự học để người học có thể phát triển tiếp tục ngay cả sau khi kết thúc khoảng thời gian học đại học” – cô nói.

 

 

Nói về năng lực và thái độ của sinh viên Đại học FPT, cô Châu cho biết, “Một cách chủ quan, mình nhìn nhận các bạn là những người trẻ rất văn minh, làm việc có trách nhiệm và không ngại thử thách bản thân. Kiến thức và kỹ năng có thể tốt dần theo thời gian, miễn là chúng ta đặt cái tâm vào những việc mình làm”.

 

 

“Có lẽ do mình đã đi làm Thiết kế từ trước khi sang Úc du học, cũng trải nghiệm những ngày tháng vất vả trong môi trường agency, nên mình trân quý những khó khăn mà mình đã trải qua với những công việc trong lúc học và sau khi tốt nghiệp. Đối với mình, có gian nan thì mới tạo thành động lực, có khó khăn mới tôi rèn và phát triển được bản thân. Mình lăn xả và nhiệt tâm với những công việc và dự án được giao, vì mình biết bằng cách này hay cách khác, mình vẫn sẽ nhận được lợi nhiều hơn mất. Có những công việc lương không cao, nhưng mình vui vẻ đón nhận, vì sau những việc nhỏ mình sẽ tích luỹ được kinh nghiệm để làm được những việc lớn hơn. Sự kiên trì sẽ cho trái ngọt”, cô nói.

 

Đến với ngành Thiết kế đồ họa, cô cho biết bản thân có được có cơ hội thỏa sức với đam mê, được làm đẹp cho mình và cho đời, được tiếp nhận năng lượng trẻ và tích cực từ các sinh viên. “Nhưng “cái mất” của mình khi đến với nghề có lẽ là thời gian. Gần như toàn bộ quỹ thời gian của mình đều dành cho việc chạy dự án và giảng dạy” – với tất cả lòng yêu nghề Digital Art & Design, cô nói. 

 

Hoàng Nhung
 

Chia sẻ qua: