Ngày 13/06/2020, lễ ký kết hợp tác nghiên cứu với FPT Information System (FIS) và Lễ ra mắt Innovation Space – không gian khởi nghiệp sáng tạo đã diễn ra tại ĐH FPT TP.HCM.
Tham dự sự kiện ký kết hợp tác là Giám đốc khối Công nghệ số – đại diện FPT Information System cùng đại diện Ban đào tạo và Phòng Quan hệ doanh nghiệp ĐH FPT TP.HCM.
Song song với hoạt động ký kết MOU về chiến lược hợp tác nghiên cứu giữa ĐH FPT TP.HCM và FPT Information System, dự án khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên ĐH FPT cũng chính thức được “trình làng”.
Trước lễ ký kết hợp tác nghiên cứu, đại diện FIS, anh Trần Đức Trung – Giám đốc khối Công nghệ số FPT Information System đã có phần trình bày những góc nhìn tổng quan về thị trường, định hướng, các sản phẩm mà FIS đang có cũng như cơ hội trong việc hợp tác nghiên cứu, tận dụng nguồn lực sinh viên giỏi từ ĐH FPT TP.HCM.
Với các định hướng công nghệ của FIS-Digital Industry gồm công nghệ kết nối – hạ tầng kết nối nhà máy – sản xuất; nhận dạng thu thập và tổng hợp thông tin sản xuất, vận hành, hiện FIS có nhiều sản phẩm tích hợp các công nghệ hiện đại muốn cùng hợp tác với ĐH FPT để nghiên cứu, thực hiện.
Tại MOU giữa FIS và ĐH FPT TP.HCM, có 3 mục tiêu được đề ra: Nghiên cứu, xây dựng, phát triển sản phẩm made by FPT/FIS; Xây dựng và phát triển IoT cloud, nền móng cho các sản phẩm và sẵn sàng cho giai đoạn FaaS; Phối hợp cung cấp dịch vụ GTGT cho các sản phẩm truyền thống của FIS trên các thị trường truyền thống.
Theo đó, FIS đề xuất sinh viên ĐH FPT có thể tham gia vào các dự án của FPT Information System với vai trò cung cấp nguồn lực, nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm các sản phẩm định hướng; khảo sát-nghiên cứu các định hướng công nghệ, áp dụng 4.0 trong tối ưu hóa sản xuất-vận hành tại Việt Nam.
“FIS là đơn vị chuyên nghiên cứu các giải pháp ứng dụng cho doanh nghiệp Việt Nam. Trước tình hình nguồn lực chưa đủ để phát triển nhiều mảng hơn nữa, FIS quyết định đưa các đề tài nghiên cứu và sử dụng nguồn lực sinh viên từ ĐH FPT như một giải pháp. Hơn thế, là “anh em” chung một nhà, việc hợp tác sẽ phần nào đơn giản hơn. Đó là kỳ vọng từ Nhà FIS cho kỳ hợp tác lần này”, Giám đốc khối Công nghệ số – đại diện FPT Information System Trần Đức Trung nói.
Về phía ĐH FPT TP.HCM, Đại diện Ban Đào tạo, anh Trần Tuấn Anh cho biết, việc hợp tác cùng FIS nhằm “đưa công nghiệp vào trong nhà trường, thực tế vào trong môn học. Từ đó, cho sinh viên thấy được tính ứng dụng của kiến thức trong từng môn học. Bởi vì, nghiên cứu là để gắn liền thực tiễn, không phải để đưa lên kệ, làm lý thuyết suông”.
Cả hai bên tán thành với việc hợp tác từng bước. Qua đó, ĐH FPT TP.HCM xây dựng năng lực làm việc với công nghiệp và FIS cũng từng bước để xây dựng năng lực làm việc với sinh viên. Đảm bảo các dự án, khách hàng, hoạt động vận hành của doanh nghiệp tận dụng được khả năng trí tuệ của sinh viên và thu về được những thành quả đáng mong đợi.
Phần cuối chương trình, nhóm sinh viên có đề tài khởi nghiệp sáng tạo được phê duyệt tại ĐH FPT cũng có phần trình bày về đề tài và sản phẩm của nhóm. Theo đó, sản phẩm mà nhóm xây dựng là ứng dụng với tên gọi BeauDee, một sản phẩm phục vụ nhu cầu “được chăm sóc tận nơi” của người dùng Kết quả, Hội đồng thẩm định đã quyết định “thông qua” đề tài, dự kiến cấp kinh phí để nhóm triển khai dự án vào thực tế.
Từ các nhận định tiền đề và định hướng phát triển của FIS-Digital Industry Information, có thể thấy viễn thông-công nghệ số là nhân tố quan trọng, cơ bản nhất trong thời đại 4.0. Viễn thông giải quyết những vấn đề rất cơ bản, đem lại cái nhìn tổng thể về sự phát triển của thời cách mạng công nghiệp. Với MOU ký kết hợp tác về nghiên cứu và phát triển giữa ĐH FPT TP.HCM và FPT Information System, cùng mong chờ những bước đột phá mới ở ngành viễn thông – CNTT trong thời gian tới.
HOÀNG NHUNG