Bỏ túi những “bí kíp” khởi nghiệp từ cựu sinh viên Đại học FPT

07/10/2024

Mới đây, anh Nguyễn Anh Khoa và anh Nguyễn Hữu Hoàng Giang – cựu sinh viên ngành Kỹ thuật Phần mềm – Đại học FPT vừa cùng với anh Đinh Nguyễn Trung Hòa thành lập Whammy Tech – một trong những hệ sinh thái gồm nhiều sản phẩm kết hợp giữa đam mê, công nghệ và kinh doanh. Cùng Đại học FPT trò chuyện với anh Khoa – Co  Founder kiêm CTO Whammy Tech và bỏ túi ngay những bí kíp cho hành trang khởi nghiệp. 

Chào anh, được biết anh Khoa là một trong số những cựu sinh viên Đại học FPT đã và đang bắt đầu hành trình khởi nghiệp. Anh có thể chia sẻ thêm về lĩnh vực mà anh đang startup? Ý tưởng khởi nghiệp của anh bắt đầu từ đâu? 

Vào thời điểm đó, anh đang là Tech lead Front-end nằm trong Core team của công ty Axiata Digital ở Malaysia, việc bỏ tất cả để về cũng khiến anh đắn đo rất nhiều. Tuy nhiên, khi người anh đồng môn Nguyễn Hữu Hoàng Giang – cũng là một cựu sinh viên Đại học FPT chia sẻ về đam mê nhạc cụ Luxury – dòng đàn cao cấp, anh rất hứng thú và rồi cùng lúc đó, có một vài khách hàng tìm đến để làm hệ thống quản lý liên quan đến Logistic.  

Sau một hồi cân nhắc, anh quyết định về Việt Nam và thành lập công ty Whammy Tech với 2 đồng sáng lập bao gồm anh Giang là COO và anh Hoà là CEO. 

 

Anh Nguyễn Anh Khoa, anh Nguyễn Hữu Hoàng Giang, anh Đinh Nguyễn Trung Hòa (từ trái qua phải)– 3 đồng sáng lập Co-Founder Whammy Tech.  

So với các sản phẩm cùng thị trường, thế mạnh của Whammy Tech là gì?  


Hiện nay, cả nhóm đang xây dựng khá nhiều dự án, và mỗi dự án thì đều tích hợp công nghệ với đam mê và mục tiêu kinh doanh. Điển hình là:  

Whammy Bar – nghe là Bar nhưng thực ra đó là sàn thương mại điện tử, nơi các bạn có thể tìm thấy những đàn Luxury top 1 của Việt Nam hiện tại. Hiện nay, nhóm cũng đang xây dựng từ trang ecommerce và từ từ phát triển kinh doanh, định hướng tới xây dựng một trang thương mại điện tử đi theo mô hình B2C như Shopee, Lazada và chỉ tập trung về sản phẩm là nhạc cụ. 


 

Một góc không gian của Whammy Tech 

Bên cạnh đó, nhóm anh cũng đang xây dựng một dự án, sẽ được tung ra thị trường trong thời gian tới. Đây là hub để cung cấp các dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân đăng và tìm kiếm job nhưng chỉ tập trung cho một lĩnh vực nhất định. Đồng thời cũng cho phép người dùng tạo profile như một portfolio với một hệ thống rating, reviews để sự kết nối trở nên dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, project này cũng cung cấp một WAP (Web Admin Portal) để giúp user quản lý các dự án, dòng tiền,… của họ.  

Và đặc biệt, nhóm anh cũng đang kết hợp cùng các bạn sinh viên Đại học FPT hiện thực hóa LogiHub. Với những kinh nghiệm làm việc cùng các khách hàng trong lĩnh vực Logistic, nhóm anh quyết định sẽ bắt đầu phát triển một product – sẽ được ra mắt vào 2023. Anh thấy mỗi buổi Bảo vệ Đồ án tốt nghiệp của các bạn sinh viên Đại học FPT đón nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, và thực sự các đồ án cũng có tính thực tiễn nhất định. Do đó, anh cũng đang dự định quay lại trường với vai trò là một cựu sinh viên, một doanh nghiệp để săn nhân tài ngay sau các buổi Bảo vệ đồ án.   

Trước khi bắt đầu startup, hẳn anh Khoa cũng đã tích lũy nhiều vốn liếng về kinh nghiệm/ thành tích, anh có thể chia sẻ thêm?  

Trước khi về Việt Nam nhen nhóm ý tưởng startup, anh cũng có khoảng thời gian rất happy và rất lâu tại Malaysia với vị trí full-stack developer, team leader, line manager tại một số đơn vị như: ELCA Information Systeam, AXIATA Digital,…  

Anh thích lao đầu vào các product lớn để kiếm thử thách, cho nên sẽ không thấy có quá nhiều thành tựu hay Certificate. Anh là Key Member trong toàn bộ các project mà anh gia nhập và nhận được khá nhiều phản hồi tích cực từ đối tác. Kể về 1 dự án nhớ nhất, có lẽ đó là Boost eWallet – 1 ví điện tử có tiếng ở Malaysia. Thường các công ty lớn sẽ có những team được gọi là Core team – chuyên xử lý những vấn đề khó của công ty, anh là người nắm phần payment portal – Cổng kết nối giữa ví điện tử và toàn bộ những ngân hàng làm partner với ví điện tử này. Và bên cạnh đó, anh cũng làm Trainer/ Team leader cho các bạn Frontend developer,  Line Manager…. 

Lời khuyên của anh dành cho các bạn trẻ có ước mơ khởi nghiệp là gì? Mới đây, môn Khởi nghiệp trở thành một trong những môn học chính thức tại ĐH FPT, anh thấy điều này giúp ích gì cho các bạn sinh viên? 

Chuyên môn là thứ cần có khi bạn khởi nghiệp. Trước khi khởi nghiệp nên lao đầu vào các project dạng Out-source, Product. Hiểu được quy trình để đưa ra thành phẩm rồi muốn làm gì thì làm. Đừng để dự án của mình là tiền đề của sự thành công cho người khác. Trừ khi các bạn có một Angel Investment, một người đi trước nâng đỡ các bạn thì anh không nói. Vì khi khởi nghiệp ai cũng có một giấc mơ xa vời, tiền – sẽ là thứ đưa các bạn trở lại mặt đất. 

Bên cạnh đó, anh cũng nhận thấy những yếu tố sau khi các bạn khởi nghiệp cần cân nhắc bên cạnh vấn đề chuyên môn: 

– Agreement: Các Co-Founder phải thống nhất được cách làm việc của nhau. Tính xấu/tốt của nhau để mà làm việc thật hiệu quả và không làm mất lòng nhau 

– Position: Vị trí của từng co-founder trong công ty. Thường các bạn startup anh thấy hay dễ làm task chồng chéo lên nhau vì nhân lực mỏng. Nhưng như thế sẽ rất là nguy hiểm nên nó mới sinh ra những vị trí như là: CEO, CTO, COO,…

– Salary: Co-founder kiên quyết không được lấy công làm lời, phải có lương nếu cá nhân đó có bỏ công sức vào công ty và nên có 1 vị trí rõ ràng trong công ty – Công ty không có lương thì phải hiểu là công ty đang nợ lương. 

– Finance: Bài toán tài chính cần được vạch ra rõ ràng nếu bạn không có ai hỗ trợ về mặt kinh tế. Quản lý tốt, mọi thứ minh bạch thì bạn có thể đi tới một bước lớn -> Gọi vốn. 

– Process: Không có gì thành công nếu không có process. 

– Culture: cái này anh học được từ FPT Software và đối chiếu với các tập đoàn lớn khác. 

– Branding: Đừng để người khác phải hỏi who are you 

Khởi nghiệp thật sự khó. Nó không chỉ gói gọn ở kiến thức chuyên môn mà còn nhiều thứ như: Luật/Thuế của nhà nước, xây dựng hình ảnh, kêu gọi vốn, gắn kết các mối quan hệ, sự tập trung, sale,…. Do đó, anh hay tích lũy kiến thức từ rất nhiều nguồn, các kênh truyền thông cũng có, từ những anh chị/ thầy cô cũng có, học từ cả thành công và thất bại nữa.  

Nhà trường có một môn học Khởi nghiệp chính thức, anh rất vui khi nghe tin đó, điều này có thể giúp các bạn trẻ rút ngắn được giai đoạn trong hành trình dài mang tên Khởi nghiệp. 

Một câu hỏi quay về quá khứ, đối với anh, kỉ niệm đáng nhớ nhất khi học tập tại Đại học FPT là gì? Anh nhớ nhất hình ảnh của giảng viên/ kỳ học hay hoạt động nào? 

Thời gian trôi qua quá nhanh, anh cũng không nhớ chắc chắn ra trường bao nhiêu năm. Nhưng với anh, những kiến thức học được giúp ích cho anh trong công việc cũng như vốn ngoại ngữ được trau dồi giúp anh vượt qua các thách thức khi làm việc tại nước ngoài.  

 


Nguyễn Anh Khoa có thời gian làm việc tại nước ngoài rất lâu trước khi quyết định về Việt Nam khởi nghiệp.

Còn trong quá trình học, anh nhớ thầy KhanhKT – huyền thoại về thầy thì chỉ cần nhắc đến tên là cả một bầu trời kỉ niệm với tất cả sinh viên Đại học FPT. Cảm ơn thầy rất nhiều về kiến thức và những cơ hội thầy trao. 

Đâu đó anh nghe rằng, có thể người ta không nhớ những việc bạn làm, những gì bạn nói nhưng chắc chắn sẽ nhớ những gì họ cảm nhận về bạn. Vậy nên, kỉ niệm ở trường rất nhiều. Theo năm tháng cũng phủ bụi thời gian nhưng điều anh nhớ nhất chính là cảm nhận của mình về sự thân thiện của các thầy cô Đại học FPT. Anh hay xưng hô với thầy Sử là bố với con. Anh làm việc tại nước ngoài một thời gian khá dài nhưng khi anh về lại Việt Nam, có một lần đi siêu thị, giữa rất đông người, anh nghe giọng nói quen thuộc: “Con Trai”, quay lại thấy bố Sử, thực sự lúc đó rất xúc động. Cảm ơn Đại học FPT và các thầy cô rất nhiều. 

Chúc anh và các cộng sự sẽ thành công trên con đường phía trước./.

HANA 
Ảnh: NVCC 

Chia sẻ qua: