Các đề tài cực xịn trong vòng sơ loại IoT Showcase 2019 ở TP.HCM

08/10/2024

Sáng ngày 25/7, vòng sơ loại cuộc thi IoT Showcase 2019 đã diễn ra tại Đại học FPT, tòa nhà Innovation, Q.12, TP.HCM. Vượt qua 4 đối thủ nặng ký, đề tài Thùng rác thông minh – Magic Bin (ĐH FPT) và Smart School – Trường học thông minh (FPT Polytechnic) sẽ vào chung kết cuộc thi tại Đại học FPT Cần Thơ ngày 15-16/8.

 

Thuyết phục được Hội đồng Ban giám khảo, 2 nhóm sinh viên cùng vào chung kết thử sức với các đội sinh viên FPT ở tất cả các cơ sở trên toàn quốc.

 

IoT Showcase Contest là cuộc thi nằm trong khuôn khổ sự kiện Research Festival 2019 của FPT Edu. Đây là sân chơi về trình diễn và thuyết trình sản phẩm về Vạn vật kết nối – Internet of Things dành cho HS-SV FPT Edu trên toàn quốc.

 

Ban giám khảo vòng sơ loại tại TPHCM gồm: Thầy Thân Văn Sử – Trưởng ban đào tạo Đại học FPT, Chủ tịch hội đồng, thầy Trần Tuấn Anh – TP. Khởi nghiệp & Quan hệ doanh nghiệp Đại học FPT, thầy Trần Vân Nam – Giám đốc Cao đẳng FPT Polytechnic TP.HCM, thầy Nguyễn Siêu Đẳng – Giảng viên ngành CNTT.

Tiêu chí đánh giá đề tài sẽ gồm 6 yếu tố: Tính hoàn thiện của sản phẩm: chạy được và có thể kết nối tới Internet (40%); Tính sáng tạo của sản phẩm (10%); Mẫu mã sản phẩm (10%); Thuyết trình và trả lời câu hỏi (20%); Báo cáo kỹ thuật (10%) (Bỏ qua poster); Khả năng thương mại hóa của sản phẩm (10%).

Thùng rác thông minh – Magin Bin (Đại học FPT

Bất ngờ là các thành viên trong nhóm Trần Lê Duy, Nguyễn Mậu Hiếu, Lưu Diệu Hoa đều mới là sinh viên năm nhất Đại học FPT. Nhưng các em đều thể hiện bản lĩnh của mình thông qua cách xây dựng, phát triển ý tưởng, cách thuyết trình và kiến thức vững vàng.

 

Được vào chung kết, Thùng rác thông minh được Ban giám khảo khuyên cần thiết kế bên ngoài ấn tượng hơn, có thể thay bằng mica trong suốt để có thể thấy được rác được phân loại như thế nào.

 

Đề tài xuất phát từ chính vấn đề nhức nhối hiện nay: môi trường và rác thải. Việt Nam hiện là một trong 5 nước có lượng rác thải lớn nhất thế giới nhưng việc phân loại rác hiện nay vẫn được thực hiện thủ công, hao tốn chi phí, sức lực mà hiệu quả không cao. Rác bị dồn ứ, chất đống, trong khi những vật liệu tái chế không được phân loại gây hoang phí, những rác công nghiệp nguy hiểm vẫn ko được quản lý, xử lý đúng quy định. Magic Bin có thể phân rác bỏ vào thùng thành hai loại: tái chế được và không tái chế được để góp phần giải quyết vấn đề trên.

Thùng rác thông minh được nhóm đưa tình huống sử dụng cụ thể tại văn phòng và trường học với lượng rác thải chủ yếu là rác văn phòng (giấy, kim ghim..) và rác sinh hoạt (hộp cơm, chai, lon nước…). Hệ thống sẽ được cung cấp thông tin cho trước để hiểu và phân biệt các loại rác khác nhau, tự động mở nắp khi có phát hiện có người muốn bỏ rác. Công nghệ Học máy (Machine Learning) được áp dụng trong đề tài này để hệ thống có thể phát hiện những loại rác mới và tự học thông qua xác nhận của người dùng và ghi nhớ cho những lần sau.

Ứng dụng Magic Bin còn giúp cơ quan quản lý ghi nhận hiện trạng các thùng rác để kịp thời thu gom. ThS. Thân Văn Sử đánh giá cao đề tài và nhận định đề tài hoàn toàn có thể sử dụng ở các nhà máy xử lý rác hiện nay.

Trường học thông minh – Smart School (FPT Polytechnic)

Smart School được xây dựng bởi nhóm sinh viên: Trần Đỗ Minh Ân, Lê Bá Hậu, Nguyễn Quốc Anh. Ứng dụng này cho phép quản lý, điều khiển từ xa các thiết bị quạt, đèn, máy lạnh trong lớp học thông qua Internet và có thể điều khiển bằng giọng nói. Bảo vệ hoặc quản lý tòa nhà hoàn toàn có thể kiểm tra những phòng không có lịch sử dụng nhưng vẫn còn sử dụng thiết bị điện để tránh lãng phí điện năng.

Hệ thống Smart School còn giúp Phòng đào tạo ghi nhận thông tin điểm danh hoặc quản lý ra vào thông qua QR Code. Theo đó, sinh viên sẽ quét QR Code để được điểm danh vào lớp, giảng viên kiểm tra và duyệt bảng điểm danh trước khi gửi thông tin lên server. Trong vòng 15 phút đầu giờ, giảng viên có thể thay đổi hiện trạng vắng mặt/ có mặt của sinh viên, sau khoảng thời gian này, server không cho thay đổi thông tin đã gửi.

Đây là một dự án hoàn toàn khả thi khi có chi phí xây dựng hệ thống hợp lý, điện thoại thông minh hiện đang rất phổ biến và cấu hình hoàn toàn phù hợp để trở thành một thiét bị trong hệ thống IoT của Smart School. Ứng với thực tế tại trường học, nhóm sinh viên FPT Polytechnic đã ứng dụng công nghệ để đưa ra một giải pháp mới mẻ giúp tiết kiệm thời gian.

Quản lý trang trại tôm bằng IoT – Shirmp Farm Project IoT (FPT Polytechnic)

Là những sinh viên năm 2 ngành IoT trường Cao đẳng FPT Polytechnic, Bùi Đào Anh Văn, Trần Đức Hiếu, Thân Trọng Lợi đã đưa ra giải pháp cho người nuôi tôm có thể theo dõi được các chỉ số điều kiện sống của tôm thông qua điện thoại thông minh của mình.

 

Nhóm sinh viên FPT Polytechnic “hiến kế” cách nuôi tôm bằng công nghệ.

 

Theo khảo sát của nhóm, hiện tại, người nuôi tôm vẫn thực hiện cách làm truyền thống bằng cách kiểm tra nước 1 ngày 2 lần. Nhóm đưa ra giải pháp giúp việc kiểm tra các chỉ số này được nhanh hơn và tiện hơn, đồng thời còn lưu lại trên thiết bị thông minh.

Hệ thống tự động cập nhật và đưa giải pháp cho 3 yếu tố liên quan đến việc nuôi tôm: pH, nhiệt độ nước và hệ thống xử lý nước. Cảm biến được đặt ở hồ đo, khi nước chạy vào hồ đo và chạm cảm biến sẽ cho kết quả độ pH của nước. Nếu chỉ số cao hơn mức chuẩn đã định sẵn, hệ thống sẽ tự xả nước có độ pH ổn định để trung hòa; trường hợp nhiệt độ nước quá cao hệ thống sẽ bật quạt để đối lưu; hệ thống còn có thể giúp chủ trại tôm kiểm tra hệ thống ống nước đó bị rò rỉ hay không, đảm bảo oxy luôn đủ cho tôm trong hồ.

 

Nông nghiệp thông minh – IoT Smart Argiculture (Đại học FPT)

Đưa công nghệ vào nông nghiệp tuy không mới nhưng đang phát huy được hiệu quả để người nông dân đỡ vất vả hơn. Chỉ mới là sinh viên năm nhất, năm hai nhưng nhóm sinh viên Hoàng Đức Tân, Nguyễn Hoàng Anh, Châu Minh Khánh đã hoàn thiện khá tốt ý tưởng của mình.

 

Thông qua ý tưởng này, nhóm sinh viên Đại học FPT hy vọng sẽ hỗ trợ người nông dân bằng công nghệ.

 

Thông qua wifi, nhóm xây dựng một hệ thống quản lý tưới tiêu thông minh. Hệ thống kết nối với máy chủ và toàn bộ thông tin về nhiệt độ, độ ẩm và lượng nước của từng loại cây sẽ được đưa lên điển toán đám mây để xử lý, lưu trữ. Hệ thống giúp người trồng các việc tưới cây và có các cảm biến đo độ ẩm, nhiệt độ bên ngoài để có thể tưới lượng nước phù hợp.

Google Assistant kết nối với hệ thống để có thể gọi hệ thống tưới cây từ xa bằng cách ra lệnh bằng giọng nói. Ngoài ra, IoT Smart Argiculture còn được trang bị AI để học những thông tin về độ ẩm, nhiệt độ, lượng nước cần tưới cho mỗi loại cây khác nhau, nên khi người trồng muốn thay đổi loại cây chỉ cần báo với hệ thống để có chế độ chăm sóc phù hợp.

 

Smart Weighing System – Hệ thống cân xe thông minh (Đại học FPT)

Đề tài được thực hiện bởi nhóm sinh viên: Nguyễn Hữu Toàn – K14 ngành Kỹ thuật phần mềm, Nguyễn Bá điền và Từ Đức Minh – K13 ngành An toàn thông tin.

 

Nhóm sinh viên hy vọng sẽ có thể góp sức trong việc hạn chế tình trạng xuống cấp của các cung đường do xe quá tải.

 
Hệ thống cân tải trọng của xe giúp góp phần phát hiện những xe quá tải trọng cho phép. Theo mô hình nhóm đã thực hiện, xe vào trạm sẽ đi qua cửa tự động, được cân bằng cảm biến và hiển thị só liệu cân được trên màn hình điện tử. Nếu kết quả xe không quá trọng tải xe cổng chặn sẽ tự mở để xe tiếp tục lộ trình, nếu xe có tải trọng vượt quá mức cho phép, hệ thống lối ra khỏi trạm cân vẫn sẽ đóng lại, mở một lối đi đến nơi xử lý vi phạm.

Hệ thống cân được nhóm sinh viên Đại học FPT xây dựng được tự động hóa, giảm việc can thiệp từ con người để khách quan hơn; có hệ thống lưu trữ dữ liệu trên máy chủ để chủ xe có thể xem lại vi phạm của xe. Nếu ý tưởng này được hoàn thiện, đây có thể là một giải pháp để hạn chế tình trạng xe quá tải tham gia lưu thông gây mất an toàn cũng như hư hại cơ sở hạ tầng như hiện nay.

 

Theo ThS Trần Tuấn Anh – TP. Khởi nghiệp & Quan hệ doanh nghiệp Đại học FPT chia sẻ sau vòng sơ loại: “Tuy chỉ mới là sinh viên, có những bạn còn là sinh viên năm nhất, năm hai nhưng các đề tài hầu hết đều có tính thực tiễn, ứng dụng tốt công nghệ để giải quyết được nhiều vấn đề hiện nay xã hội đang vướng phải. Không chỉ sáng tạo về mặt ý tưởng, các em còn tìm tòi, nghiên cứu về công nghệ tiên tiến để ứng dụng như Trí tuệ nhân tạo, nhận dạng giọng nói… Hy vọng không dừng lại ở các cuộc thi, các em sẽ luôn luôn ham học hỏi để có thể có nhiều giải pháp công nghệ sáng tạo, hữu ích cho xã hội hiện nay”.

VY HB NGUYỄN

Xem thêm:

Chia sẻ qua: