Nhóm sinh viên: Nguyễn Ngọc Tấn, Nguyễn Tiến Xuân và Diệp Đặng Huy Hoàng phát triển đề tài “SHTP Enterprise management system” cùng sự hướng dẫn của giảng viên Nguyễn Thị Cẩm Hương và Lâm Hữu Khánh Phương.
“Ban đầu chúng mình khá lo lắng khi nhận yêu cầu từ doanh nghiệp. Nhưng sau khi được cung cấp tài liệu, biểu mẫu các thành viên đều cảm thấy thú vị và hào hứng bắt tay tìm hiểu công nghệ để có thể giải quyết bài toán tối ưu nhất” - Huy Hoàng, đại diện nhóm sinh viên chia sẻ.
Nhóm cho biết, quá trình làm việc với doanh nghiệp cũng chính là trải nghiệm nghề nghiệp của một Kỹ sư phần mềm tương lai. Xuất phát từ “đặt hàng”, nhóm đã có quá trình trao đổi để lấy nhu cầu từ phía công ty, đặt ra bài toán, phát triển thiết kế, liên tục thảo luận, sửa chữa và bàn giao sản phẩm. “Vì thời gian gặp mặt doanh nghiệp và số lượng thành viên của nhóm khá hạn chế nên chúng mình đã cố gắng khắc phục bằng cách sắp xếp những cuộc họp online và nỗ lực nhiều hơn để bù đắp sự thiếu hụt về mặt nhân lực. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của Thầy Cô mentor và phối hợp nhịp nhàng giữa các bạn trong team mà chúng mình có thể chạy đua cùng deadline cũng như chất lượng sản phẩm”.
Xây dựng hệ thống trên nền tảng website và tích hợp các công nghệ hiện đại như Data Warehouse, Power BI - dự án SHTP Enterprise management system đã giúp Ban quản lý Khu CNC khắc phục những khó khăn trong lưu trữ, xử lý dữ liệu, cơ sở hạ tầng CNTT lớn, phức tạp. Sử dụng hệ thống do nhóm sinh viên trường Đại học FPT phát triển, giúp doanh nghiệp quản lý hiệu quả, minh bạch; dễ dàng tìm kiếm và cập nhật, sửa đổi hơn. Ngoài ra, việc sử dụng phần mềm SHTP Enterprise management system còn nâng cao trải nghiệm digital cho cán bộ nhân viên tại đây.
Chưa đi đến giai đoạn “trình làng” đồ án trước Hội đồng bảo vệ, nhóm đã nhận được lời mời bàn giao sản phẩm của doanh nghiệp. Hiện nay, hệ thống đã được ban quản lý Khu CNC triển khai cho gần 100 doanh nghiệp trong khu sử dụng. Đồng thời, đại diện Khu Công nghệ cao mong muốn tiếp tục kết nối để có thể phát triển nhiều hơn những dự án đến từ sinh viên trường Đại học FPT.
Recycling Sorting - Hệ thống hỗ trợ phân loại rác tái sử dụng
Đam mê công nghệ và yêu môi trường, nhóm sinh viên: Nguyễn Sĩ Triều Nguyễn, Đặng Huỳnh Anh và Nguyễn Minh Huy cùng sự hỗ trợ của giảng viên: Kiều Trọng Khánh và Đoàn Nguyễn Thành Hoà đã hiện thực mong muốn truyền cảm hứng sống xanh đến cộng đồng của Thành Đoàn TP. HCM với hệ thống “Recycling Sorting” - “Hệ thống hỗ trợ phân loại rác tái sử dụng”. Phát triển đồ án từ đề bài của doanh nghiệp, Hệ thống hỗ trợ phân loại rác tái sử dụng được đánh giá là sáng chế xanh, góp phần tạo nên xu hướng sống xanh và bền vững.
.jpg)
“Recycling Sorting” - “Hệ thống hỗ trợ phân loại rác tái sử dụng” sản phẩm đồ án nhóm sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm Đại học FPT: Nguyễn Sĩ Triều Nguyễn, Đặng Huỳnh Anh và Nguyễn Minh Huy cùng sự hỗ trợ của hai giảng viên: Kiều Trọng Khánh và Đoàn Nguyễn Thành Hoà
Trong dự án này, hệ thống phần mềm tích hợp công nghệ Trí tuệ nhân tạo, biến thùng rác cơ học trở nên “kỳ diệu” khi sở hữu những tính năng như kết nối Internet, lưu trữ, thống kê dữ liệu, nhận diện, tự động mở nắp và phân loại rác cơ bản: chai nhựa, hộp giấy. Chỉ cần thao tác cơ bản: (1) Người dùng thực hiện tương tác với màn hình hệ thống=> (2) Đặt chai nhựa vào khu vực "Nhận chai ở đây" để thùng rác thực hiện quá trình tiếp nhận chai, người dùng đã có thể chung tay vào hành trình bảo vệ môi trường và góp phần tái sinh vòng đời cho các chai nhựa, hộp giấy.
Bên cạnh đó, nhóm sinh viên trường Đại học FPT còn phát triển các tính năng đi kèm để theo dõi các thông tin: Sử dụng cơ chế để hệ thống có thể chạy tự động với các tác vụ để xử lý mà không cần sự tương tác của người vận hành; Ứng dụng xây dựng trên nền tảng của ứng dụng Web dành cho người vận hành, nhân viên kỹ thuật và cho người sử dụng có tài khoản; Ứng dụng IoT trong thiết kế thùng rác và đưa thông tin về hệ thống thông qua nền tảng cloud…
Chị Lê Thị Cẩm Vi, đại diện doanh nghiệp đặt hàng chia sẻ: “Dù quá trình trao đổi, góp ý bị hạn chế nhưng sản phẩm đã đáp ứng được mong muốn của doanh nghiệp. Trong năm 2023, dự án sẽ được triển khai lắp đặt tại các địa điểm trên địa bàn TP. HCM để đồng hành cùng cộng đồng, mang tác động tích cực đến môi trường”.
Thành công từ những đồ án tốt nghiệp của sinh viên là một điểm nhấn đáng chú ý trong chương trình đào tạo của trường Đại học FPT. Có không ít đồ án được doanh nghiệp săn đón ngay sau khi bảo vệ hay trở thành ý tưởng khởi nghiệp của các bạn sinh viên như TopCV, BeanOi…
Một trong những khác biệt nổi bật của Đại học FPT trong chương trình đào tạo là việc thường xuyên kết nối doanh nghiệp với sinh viên thông qua các sự kiện chuyên ngành, đồng thời, xây dựng đội ngũ giảng viên ưu tiên chuyên gia có kinh nghiệm thực chiến hoặc sở hữu cơ sở kinh doanh. Với phương pháp đào tạo theo hình thức liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, Đại học FPT gắn đào tạo với thực tiễn; gắn nghiên cứu học thuật với ứng dụng, triển khai; gắn kiến thức lý thuyết với thực hành, dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại.
Ái Nhi