Phạm Huy Hoàng là cựu sinh viên khoá 6, trường Đại học FPT TP. HCM. Ngoài là tác giả cuốn sách “Code dạo ký sự – Lập trình viên đâu phải chỉ biết code” từng tạo cơn sốt ngay khi vừa mới ra mắt, anh còn là tác giả của blog IT, fanpage cùng tên “Tôi đi code dạo” được đông đảo sinh viên ngành Công nghệ thông tin yêu thích.
PV: Anh có đam mê như thế nào đối với Công nghệ thông tin và lý do vì sao anh lại chọn Đại học FPT?
May mắn là nhà anh có điều kiện nên anh được tiếp xúc với máy tính từ khá sớm, khoảng lớp 3 lớp, 4. Hồi đó anh chỉ biết dùng Word, Excel là chính chứ chưa biết IT là gì luôn.
Lên lớp 9, lớp 10 thì do hâm mộ Bill Gates (vì nghe nói ông ấy giàu), cộng thêm mê games, nên anh mới bắt đầu có hào hứng với ngành IT. Hồi đó thì anh chỉ biết IT là làm phần mềm, làm games, làm bảo mật hacker gì đó chứ cũng không tìm hiểu thêm. Đến khi vào Đại Học anh mới học 1 cách “bài bản” về ngành.
Trước khi theo học ngành Kỹ thuật phần mềm tại ĐH FPT TP.HCM, anh đã thi đậu vào ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học tự nhiên – ĐH QG TPHCM. Có nhiều lựa chọn tại thời điểm đó, nhưng vì đạt được học bổng của ĐH FPT TP.HCM, đồng thời “thấy chương trình học vui hơn, được miễn các môn Toán, Lý, Hoá”, nên anh đã đưa ra quyết định trở thành Cóc trường F.
PV : Anh có thể chia sẻ thêm về quá trình học tập của mình tại Đại học FPT được không?
Hồi đó anh cũng chỉ nghe giáo viên giảng bài, xem trước slide khi đi học, làm bài tập đầy đủ, và tự học thêm thôi. Cũng không có gì đặc biệt hay khác mọi người hết.
PV: Được biết, anh từng làm việc ở nhiều môi trường khác nhau như tập đoàn lớn (FPT Software), ở công ty nước ngoài và hiện tại là công ty Startup (Singapore). Vậy thì bài học mà anh rút ra sau mỗi môi trường làm việc là gì?
Hồi mới ra trường, anh vào FPT Software – FSU1, BU26. Hồi đó mới ra trường, nhưng nhờ được tiếp cận doanh nghiệp sớm nên anh đã học được rất rất là nhiều thứ:
Quy trình: FPT là một công ty lớn. Họ có quy trình rõ ràng: standing meeting ra sao, phân chia task như thế nào, dev làm gì, tester làm gì, có ticket đầy đủ.
Cách đọc code, tổ chức code: Hồi đó team anh có một dự án khá là lớn, source code cũng được vài năm rồi. Nhờ đọc code dự án mà mình biết được một dự án lớn thì code được tổ chức gồm những phần như thế nào, làm sao để thêm một chức năng mới mà không ảnh hưởng chức năng cũ.
Sau 6 tháng, anh đã đỡ ngáo ngơ hơn, không còn là một junior nữa. Làm được ở Việt Nam tầm 1 năm rưỡi thì anh cũng hơi hơi chán, thế là anh tìm đường qua nước ngoài.
Sau khi kết thúc chương trình thạc sĩ tại Lanscaster, UK, anh có duyên làm việc tại Singapore qua lời giới thiệu của 1 Anh đồng nghiệp cũ ở Việt Nam. Gia nhập start-up, ít người, nhiều việc, anh học được rất nhiều thứ so với các công ty lớn: Sales và khách hàng; Build sản phẩm; Cách đưa ra ý kiến và quyết định.
Anh luôn tự nhủ “phải tự biết mình là ai”, phải tiếp tục học để không ngủ quên trên chiến thắng.
PV: Anh có điều gì muốn gửi gắm tới các bạn trẻ đang muốn đặt chân vào thế giới Công nghệ thông tin?
Chúng ta may mắn theo ngành lập trình, một ngành đang có nhu cầu tuyển dụng cao và có tính international. Chỉ cần có khả năng code tốt, tư duy tốt, tinh thần làm việc nhóm cao, có ngôn ngữ là bạn có thể code dạo ở khắp nơi trên thế giới.
Trong quá trình đi học, đi làm, ta thường học được rất nhiều thứ: Quy trình làm việc, cách viết code, cách làm việc nhóm,… Các kinh nghiệm này giúp bạn giải quyết vấn đề nhanh hơn, đạt năng suất cao hơn, làm ra sản phẩm có chất lượng tốt hơn.
Có nhiều kinh nghiệm, bạn sẽ dần trưởng thành hơn và có giá hơn trong mắt nhà tuyển dụng. (Đây là lý do mà mức lương cho các bạn 2-3 năm kinh nghiệm hoặc senior cao hơn các bạn mới ra trường). Tuy nhiên, trong ngành IT, kiến thức thay đổi rất nhanh. Các bạn đi làm lâu thường dễ mắc phải “bẫy kinh nghiệm”. Khi tiếp xúc với những công việc lặp đi lặp lại, kinh nghiệm các bạn tăng nhưng kiến thức không tăng.
Anh không biết chắc chắn 5-10 năm nữa ngành lập trình sẽ ra sao, nhưng theo suy đoán của anh thì nhu cầu chỉ có tăng chứ không giảm (Bằng chứng là các code camp, bootcamp ở nước ngoài vẫn đang mọc lên liên tục như nấm sau mưa) nên các bạn học chắc sẽ không lo thất nghiệp! Tuy vậy, các bạn cũng đừng quên rằng điều quan trọng nhất không phải là công việc tốt, lương cao mà là… đam mê. Phải có đam mê thì bạn mới có thể theo đuổi được ngành này nhé!
Xin cảm ơn anh vì những chia sẻ rất tuyệt vời. Chúc anh sẽ luôn sức khoẻ và gặt hái thật nhiều thành công trong các dự án sắp tới!
[wpcc-iframe width=”100%” height=”360″ src=”https://www.youtube.com/embed/E8I5fJ0xCjA” frameborder=”0″ allow=”accelerometer; autoplay; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture”]
Bên cạnh xuất bản cuốn sách Code dạo Ký sự, anh Phạm Huy Hoàng còn là tác giả của kênh Youtube đạt hơn 190K subscribes, nhận nút bạc của Youtube.
Ái Nhi