“Mấy ai là kẻ không thầy
Thế gian thường nói: đố mầy làm nên”
Có những người thầy lớn tuổi nhưng vẫn miệt mài đi dạy với một niềm đam mê truyền lửa tri thức cho các bạn trẻ. Có những người cô dẫu ít nói nhưng lúc nào cũng lo lắng, quan tâm tới sinh viên. Có những người thầy luôn tìm tòi đủ các thể loại trend chỉ để cố gắng làm cho tiết học vui hơn. Có những người cô chính là người bạn tỉ tê cùng sinh viên về cách cư xử lễ phép với ba mẹ, về cách kính trên nhường dưới với mọi người.
Họ… không chỉ là người thầy, người cô mà còn là một người truyền lửa tri thức, truyền lửa cảm hứng.
Để rồi một ngày, sinh viên quay trở lại trường với cương vị là một giám đốc, một doanh nhân trẻ hay một người thành đạt thì vẫn kính cẩn cúi đầu: “Dạ, em chào thầy, em chào cô”.
Jacques Bazun từng nói: “Với nghề dạy học, không thể nhìn thấy kết quả của một ngày làm việc. Kết quả ấy vô hình và có lẽ vẫn còn đó đến 20 năm sau”. Sự trưởng thành, sự thành công của học trò chính là niềm vui và sự thành công của những người làm giáo dục. Nỗ lực của những người dạy là nỗ lực không ngừng nghỉ và thầm lặng.
Hôm nay, 20/11, ngày tri ân những người làm nghề giáo – một nghề thiêng liêng và cao quý.
Tôn sư trọng đạo là truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt từ xưa đến nay. Hơn 20 năm đi học là hơn 20 năm được thầy cô dìu dắt. Khi tốt nghiệp bước ra trường đời, việc học cũng không dừng lại, những người thầy người cô lại là những bậc tiền bối giúp bạn vững vàng, vượt qua khó khăn.
“THẦY CÔ TRƯỜNG F TRONG TÔI” – chuyên mục mới đã chính thức được ra mắt trong thời gian qua tại các kênh truyền thông chính thống của trường Đại học FPT. Đây là một trong những hoạt động tôn vinh những người thầy cô đã truyền cảm hứng cho sinh viên trong quá trình học tập cũng như cuộc sống. Chuyên mục là một món quà chào mừng ngày 20/11 – ngày Nhà giáo Việt Nam.
Những kỷ niệm đẹp, những khoảnh khắc ấn tượng, những buổi học thú vị và những tỉ tê xung quanh cuộc sống của thầy cô qua chuyên mục này. Chuyên mục cũng giúp nhiều sinh viên hiểu hơn về những người thầy, người cô – người truyền lửa của mình. Họ không chỉ là giảng viên dạy học mà cũng mà một người bạn thân thiết với sinh viên, một người bình thường giản dị trong cuộc sống.
Hơn 100 thầy cô tại trường F là hơn 100 câu chuyện thú vị. Chuyên mục chỉ có thể giúp các bạn hiểu hơn về một số người thầy người cô nhưng sau tất cả, dự vị đọng lại của “Thầy cô trường F” chính là sự thấu hiểu, yêu mến, gần gũi.
Có nhiều bạn giải mã chữ KT trong KhánhKT là khó tính. Bởi vì thầy được nhiều thế hệ sinh viên truyền tai nhau là pass được môn thầy phải có phép thần thông chứ người trần mắt thịt khó qua ải này lắm. Nhưng khi trò chuyện với thầy mới hiểu rõ căn cơ. Và sự thật thì KT trong KhánhKT có thể là khó tính mà cũng có thể là kute không chừng.
Khi được hỏi rằng, thầy có bao giờ nghe sinh viên nói mình khó tính. Thầy vui vẻ: “Trời ơi, nhiều lắm”. Các bạn sinh viên sắp tốt nghiệp hay viết kỷ yếu (Alumni). Thầy Khánh là một trong những “fan cứng” của Alumni. “Có lần tôi đọc kỹ lắm, tôi không nghĩ là mấy cái câu tôi nói hằng ngày, sinh viên nó lại nhớ rõ mồn một xong lại kể lể lên đây hết. Nó nói tôi nghiêm khắc sao, khó tính sao… Có bạn rớt đồ án mấy lần, tôi bảo cô chán tôi chưa chứ tôi chán cô lắm rồi, cũng vô kỷ yếu luôn. Nhưng giờ ra trường, không nghe lời thầy nói (la) nữa, nhớ ghê”.
Khi giảng viên nghiêm khắc với sinh viên mà sinh viên kể lể theo hướng hài hước, theo kiểu cơm ba bữa phải ăn, theo cách mà thiếu thì nhớ lắm thì chắc chắn là sinh viên công nhận chuyện đó là phù hợp. “Áp lực ở trường lớp chẳng là gì so với áp lực ngoài cuộc sống đâu nên là tập đi cho quen. Vì đơn giản, học không phải pass môn mà là để khẳng định mình là ai, mình làm được những gì”.
Sắc màu của khối ngành Công nghệ Thông tin nhiều khi chỉ là code và những con số khô nhằn nhưng cuộc trò chuyện với thầy cô trong chuyên mục này đã giúp nhiều bạn nhận ra. Công nghệ có thể khô khan nhưng chưa bao giờ nhàm chán. Cách truyền lửa của các thầy cũng vì thế mà khác đi, không sắc màu nhưng đầy thú vị.
Trong khi đó, khối ngành Kinh tế lại linh hoạt hơn. Theo học tại các trường Đại học danh tiếng trên thế giới, các giảng viên của trường Đại học FPT đã mang đến những câu chuyện thú vị, những cảm hứng học tập mới mẻ.
Đi dạy cũng là đi học, người thầy cũng được trao dồi kiến thức nhiều hơn. Vai trò của người thầy, hành động và lời nói đều sẽ ảnh hưởng hướng tới sinh viên. Hạnh phúc của người thầy, người cô đó là có thể định hướng cho sinh viên trở nên tốt hơn, giỏi hơn, tự tin hơn, trưởng thành hơn – thầy Thành chia sẻ thêm.
Đi dạy, có sinh viên giỏi, có sinh viên ngoan cũng có sinh viên quậy. “Hồi xưa, tôi cũng quậy lắm nhưng mà sửa được. Trải qua thời tuổi trẻ, tiếp xúc với sinh viên, giờ ca nào cũng xử được hết (thầy cười). Sự vị tha, chia sẻ chân thành và góp ý thẳng thắn, đó là cách tôi hướng dẫn sinh viên mình. Khi các bạn được thấu hiểu và được định hướng, các bạn sẽ có một thái độ tích cực”.
Bên cạnh đó, câu chuyện về các giảng viên nhóm ngành Ngôn ngữ, giảng viên nhóm ngành Thiết kế – Đồ hoạ, Truyền thông Đa phương tiện lại có thêm nhiều sắc màu và hình ảnh.
Cô Cẩm cho biết: “Yêu cho roi cho vọt” Cô cố tình nghiêm khắc để các bạn phải làm theo những điều cô chỉ bảo mặc dù các bạn sinh viên có ấm ức nhưng các bạn đều “tuân thủ”. Cô Cẩm luôn hi vọng “Sau này ra trường, ra ngoài xã hội, thành công rồi quay lại trường tìm cô, đứng giữa trường kêu tên cô, rồi nói với cô “chính vì cô la mắng, khó khăn với tôi quá nên tôi đã tức giận lên và cố gắng học, và rồi thành đạt như ngày hôm nay…”. Đó là niềm hạnh phúc của cô!”
Ngày 20/11, trường F có tổ chức nhiều hoạt động Tri ân thầy cô giáo. Đây cũng là dịp để các bạn cựu sinh viên trở về trường ôn lại kỉ niệm với thầy cô giáo.
Bạn Ngô Ngọc Lam K14 cho biết: Thầy cô nào cũng có nét ấn tượng riêng, mình nhớ nhất là thầy Dương với biệt danh Cậu ấm thơ ngây. Tên vậy thôi chứ khi nào thầy cũng là nguồn truyền cảm hứng, sự bay bổng trong nghề cho các bạn sinh viên.
Ngày 20/11, trường Đại học FPT xin gửi lời chúc chân thành tới các thầy cô giáo. Chúc các thầy cô luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc và mãi là người truyền cảm hứng cho sinh viên.
Các bạn có thể xem thêm chuyên mục “Thầy cô trường F” tại ĐÂY.