Là cuộc thi về IoT lần đầu tiên được tổ chức trên toàn FPT Edu, IoT Showcase Contest đang là cuộc thi “hot” nhất vào thời điểm này với giải thưởng hàng ngàn đô. Vậy làm thế nào để có thể lọt top cuộc thi? Hãy cùng nghe ý kiến từ các giảng viên FPT Edu nhé!
“Muốn lọt top thì ý tưởng phải thật sáng tạo và có tính ứng dụng thực tế cao” – Thầy Doãn Trung Tùng, Chủ nhiệm bộ môn IT, Trường Đại học Greenwich (Việt Nam)
Thầy Doãn Trung Tùng, Chủ nhiệm bộ môn IT, Trường Đại học Greenwich (Việt Nam)
Là chủ nhiệm bộ môn IT, thầy Doãn Trung Tùng đặc biệt quan tâm tới cuộc thi IoT Showcase Contest. Với thầy, IoT là một ngành đang rất hot, có thể áp dụng trong rất nhiều lĩnh vực. Khi được hỏi về kinh nghiệm để lọt top cuộc thi, thầy không ngần ngại chia sẻ: “Khi tìm hiểu về IoT có thể sẽ bị ngợp trong bể thông tin nhưng ngược lại qua nhiều cuộc thi, BGK cũng nhận được nhiều ý tưởng na ná nhau nên nếu muốn lọt top thì ý tưởng phải thật sáng tạo. Ngoài ra phải có tính thực tế khi làm ra sản phẩm vì hiện nay nhiều dự án IoT mới chỉ dừng ở mức demo mà không có tính ứng dụng thực tế cao. Kết hợp được cả 2 yếu tố Sáng Tạo và Thực Tế chắc chắn sẽ lọt top!”
“Để lọt top cuộc thi điều quan trọng nhất đó là ý tưởng” – Thầy Nguyễn Phước Cường, Giảng viên IT, FPoly Tây Nguyên
Là người trực tiếp giảng dạy bộ môn IT, thầy Nguyễn Phước Cường đánh giá IOT là lĩnh vực đã khá lâu, những năm gần đây đang phát triển rất mạnh cùng nền tảng công nghệ 4.0. Tuy nhiên, sân chơi này khá mới mẻ với các bạn Học sinh và sinh viên. Vì đòi hỏi một lượng kiến thức không hề nhỏ, nhưng cũng không phải quá lo lắng vì những kiến thức cần có không quá sâu.
“Để tham gia và đạt được kết quả tốt, chỉ cần các bạn có niềm đam mê về công nghệ, về điện điện tử, có khả năng lập trình và phải kiên trì vì quá trình thực hiện theo phương pháp “thử sai”. Nghĩa là “thử” chạy và “sai” thì sửa, dần dần sẽ hoàn chỉnh.
Một số kiến thức các bạn cần chuẩn bị để dự thi gồm: Sử dụng được ngôn ngữ lập trình C, lập trình Arduino, lập trình nhúng trên các thiết bị điện tử, biết và sử dụng các thiết bị IOT đang có trên thị trường (Ví dụ các server, mạch, linh kiện…)
Ngoài ra, để lọt top cuộc thi điều quan trọng nhất đó là “Ý tưởng”. Với ý tưởng tốt, thực hiện được một demo cho ý tưởng đó thì khả năng lọt top sẽ rất cao. Hiện nay, công nghệ và thiết bị đã hỗ trợ rất nhiều nên các đội chơi cần tìm hiểu, sử dụng và đưa ra các phương pháp thực hiện sao cho nhanh nhất với chi phí tiết kiệm nhất. Có như vậy sản phẩm các bạn mới có thể áp dụng và triển khai rộng rãi trên thị trường thực tế.”
Thầy Nguyễn Phước Cường, Giảng viên IT, FPoly Tây Nguyên.
“Đề tài phải có tính ứng dụng cao” – Thầy Nguyễn Khánh, Quản lý cơ sở đào tạo FPoly Đà Nẵng
Với cương vị là Quản lý cơ sở đào tạo, thầy Nguyễn Khánh đánh giá IoT Showcase Contest là một cuộc thi rất hay và thú vị. Nhưng để có thể lọt top các đội chơi xuất sắc nhất, các thí sinh cần lưu ý nhiều điểm:
“Đề tài phải có tính ứng dụng cao: giải quyết được các bài toán từ thực tế, mang lại hiệu quả cho người dùng/cộng đồng. Nếu đề tài của mình trùng với các đề tài/ứng dụng đã có thì cần cải tiến kỹ thuật/giải quyết bài toán(nghiệp vụ) một cách tối ưu hơn, tìm ra những điểm hạn chế/chưa giải quyết được của các ứng dụng khác để phát triển hoàn thiện sản phẩm của mình.
Sản phẩm nếu chưa hoàn thiện thì cần có sản phẩm demo và có khả năng hoàn thiện trong tương lai gần, chỉ mới dừng ở ý tưởng thôi thì chưa được, nắm vững kỹ thuật và công nghệ để tích hợp và phát triển ứng dụng.
Thầy Nguyễn Khánh, Quản lý cơ sở đào tạo FPoly Đà Nẵng
“Các công nghệ giúp ích cho bảo vệ môi trường, khí hậu, sức khỏe, công nghệ thông minh (AI)… sẽ là một chủ đề hot trong cuộc thi lần này” – Thầy Quách Luyl Đa, Giảng viên IT, FPTU Cần Thơ
Là một người thầy tâm huyết và luôn gần gũi với sinh viên, thầy Quách Luyl Đa đã nhiệt tình đưa ra lời khuyên cho các bạn thí sinh:
“Bên cạnh những tiêu chí đánh giá của Ban tổ chức, theo mình các công nghệ giúp ích cho bảo vệ môi trường, khí hậu, sức khỏe, công nghệ thông minh (AI),… sẽ là một chủ đề hot trong cuộc thi lần này. Một vấn đề mở rộng của cuộc thi là sản phẩm có khả năng kết nối internet thì điều này giúp các đội chơi hình thành được các ý tưởng về việc giúp con người thu thập và phân tích thông tin để phục vụ con người. Sân chơi kỳ này có các đội tham gia bên ngoài trường, trong đó có các đội thi quốc tế sẽ tạo nên tính cạnh tranh và thu hút cho cuộc thi. Do đó, vấn đề cần lưu ý cho cuộc thi này cần đảm bảo được các tiêu chí đánh giá cơ bản về tính hoàn thiện và mục đích sử dụng các dữ liệu thu thập và xử lý từ thiết bị rồi đến các tiêu chí khác.”
Thầy Quách Luyl Đa, Giảng viên IT, FPTU Cần Thơ
“Thành công đôi khi là cả quá trình làm việc cùng nhau” – Thầy Trần Duy Phong, Chủ nhiệm bộ môn Công nghệ thông tin, FPoly Hồ Chí Minh
Thầy Trần Duy Phong là Giảng viên đã gắn bó nhiều năm với ngôi nhà FPoly. Thầy cũng là người đồng hành với nhiều sản phẩm dự thi của sinh viên trong các cuộc thi về IoT trong cuộc thi Poly Hackathon 2017. Khi nói về cuộc thi nghìn đô IoT Showcase Contest, thầy đã chia sẻ vô cùng tâm huyết và có một quan điểm khác về thành công:
“Với kinh nghiệm đã tổ chức cuộc thi Poly Hackathon 2017, thầy muốn chia sẻ lại một vài bí quyết để các đội chơi có thể lọt vào top cuộc thi IoT Showcase Contest:
Phần sản phẩm: Cần chú trọng đến thẩm mỹ của sản phẩm. Đối với các sản phẩm IoT, cần tinh tế trong việc đi dây, che dấu đi bản mạch, cũng như các cảm biến.
Phần quan trọng không kém đó là thuyết trình: Các đội chơi cần chuẩn bị 1 thành viên có khả năng thuyết trình với phong cách tự tin, sáng tạo ngay cả trong vấn đề thuyết trình. Bên cạnh đó, hình ảnh và các video minh họa cũng rất cần thiết để ban giám khảo có thể hiểu hết được các ý tưởng của các đội chơi.
Hãy chứng minh sự khác biệt: Khi các nhóm làm ra một sản phẩm, sáng tạo cũng có nghĩa là làm gì đó khác biệt và cải tiến hơn những sản phẩm đang có. Vì vậy, hãy cố gắng chứng minh sự khác biệt để làm giàu thêm tính sáng tạo cho sản phẩm của mình
Một lưu ý nữa là tinh thần đồng đội: Sự phối hợp giữa các thành viên trong đội nhóm sẽ đem lại nhiều kết quả vượt ngoài sự mong đợi. Sự phân chia công việc hợp lý, hiểu rõ điểm mạnh yếu của các thành viên trong đội sẽ quyết định đến chất lượng sản phẩm của nhóm.
Cuối cùng: Mỗi cuộc thi là một đợt trải nghiệm khá thú vị cho các bạn trẻ, vì vậy, hãy tham gia với tinh thần trong sáng, vô tư và nhiệt huyết. Thành công đôi khi là cả quá trình làm việc cùng nhau, hơn là kết quả đạt được.”
Thầy Trần Duy Phong, Chủ nhiệm bộ môn Công nghệ thông tin, FPoly Hồ Chí Minh.
“Để có thể lọt top, sản phẩm dự thi cần đảm bảo được nhiều yếu tố, đặc biệt là cần lưu ý 6 yếu tố quan trọng: Tính khả dụng, tính sáng tạo, tính thuyết phục, tính sẵn sàng, tính an toàn, tính hiệu quả chi phí đầu tư” – Thầy Nguyễn Siêu Đẳng, Đại học FPT Hồ Chí Minh
Là người trực tiếp hướng dẫn sinh viên tham gia cuộc thi, thầy Nguyễn Siêu Đẳng rất nhiệt tình bật mí các bí quyết giúp các bạn thí sinh tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh cao trong cuộc thi nghìn đô IoT Showcase Contest:
“Để có thể mang đến một sản phẩm có sức cạnh tranh cao với các đội chơi khác, sản phẩm dự thi cần đảm bảo nhiều yếu tố nhưng cần đặc biệt lưu ý 6 yếu tố quan trọng dưới đây:
1. Tính khả dụng: các sản phẩm IoT dự thi phải có các tính năng có thể ứng dụng được vào thực tế như: Chăm sóc sức khỏe (smart healthcare), Nhà thông minh (smart home), Nông nghiệp thông minh (smart agriculture), Thành phố thông minh (smart city), Vận tải thông minh (smart logistics), Bệnh viện số (digital hospital)…
2. Tính sáng tạo: các sản phẩm IoT dự thi cần phải có tính sáng tạo, các đội cần phân tích được vấn đề ở tiêu chí 1, có những khắc phục hoặc cải tiến từ những giải pháp đã tham khảo. Ví dụ: Với tính năng xác định vị trí của người hay vật với IoT Location Tracking Systems trong giải pháp ứng dụng công nghệ quản lý mặt đất trong sân bay (tiêu chí 1) thì các đội cần tham khảo các giải pháp đã có để có ý tưởng, tham khảo nhằm cải thiện bổ sung thêm liệu có thể: Cải thiện được khả năng xác định vị trí chính xác không?, Cải tiến xác định vị trí theo thời gian thực như thế nào?, Tối ưu hóa xác định vị trí theo cơ chế passive và active ra sao?…
Thầy Nguyễn Siêu Đẳng
3. Tính thuyết phục:
Hoạch định được mô hình
Tự thiết kế, lắp ráp, lập trình, cài đặt và cấu hình được cho sản phẩm dự thi hoạt động tốt nhất có thể
Liệt kê, phân tích và đánh giá được các tính năng của sản phẩm dự thi
Xây dựng chiến lược và định hướng cải thiện, phát triển sản phẩm
Trình bày được nhu cầu trong thực tế mà giải pháp đem lại
4. Tính sẵn sàng:
Luôn hoạt động được trong mọi điều kiện môi trường nơi các đội tham gia dự thi: Năng lượng cung cấp phải đảm, Tín hiệu truyền dẫn luôn duy trì, Khả năng điều khiển không bị gián đoạn (độ trễ thấp)…
Dữ liệu luôn được hiển thị chính xác hoặc trích xuất được các báo cáo khi có yêu cầu từ Ban tổ chức
5. Tính an toàn:
Luôn đặt độ ưu tiên cao cho tính an toàn về mặt vật lý: Sản phẩm dự thi không được gây nguy hiểm đến tính mạng con người, Nguồn năng lượng như Battery cung cấp phải có nguồn gốc tin cậy tránh cháy nổ, Nếu tự thiết kế các mạch điện tử cần phải được kiểm định an toàn từ các đơn vị uy tín….
Đảm bảo được các vấn đề bảo mật khác: Bảo mật dữ liệu, sao lưu và hồi phục dữ liệu, Đảm bảo toàn vẹn dữ liệu truyền, Có chiến lược giảm thiểu các nguy cơ, rủi ro, tấn công….
6. Tính hiệu quả chi phí đầu tư:
Trình bày hiện trạng à hiệu quả như thế nào khi ứng dụng sản phẩm dự thi
Trình bày được chi phí đầu tư và giá trị đem lại gì khi ứng dụng sản phẩm dự thi”
Với những chia sẻ tâm huyết và hữu ích từ các Giảng viên nhà FPT Edu, chắc chắn các đội chơi sẽ tìm được cho mình hướng đi đúng đắn và giành giải cao trong cuộc thi IoT Showcase Contest. Đừng quên cuộc thi còn mở đăng ký tới ngày 05/07/2019.
Đăng ký ngay để trở thành chủ nhân của giải thưởng nghìn đô nhé: http://bit.ly/iotshowcase
IoT Showcase Contest là cuộc thi trình diễn và thuyết trình sản phẩm về Vạn vật kết nối – Internet of Things dành cho HS-SV FPT Edu trên toàn quốc. Xem các mốc thời gian quan trọng của cuộc thi tại đây.
Các thông tin cuộc thi vui lòng xem tại: http://facebook.com/resfes2019
Theo FPT Edu