Hot blogger Phạm Huy Hoàng cho biết hiện nay, báo đài thường đưa tin về những tấm gương nổi bật trong ngành Công nghệ Thông tin. Do đó, nhiều bạn sẽ ‘lầm tưởng’ rằng Công nghệ Thông tin là một ngành sang chảnh, hào nhoáng, việc nhẹ lương cao. “Tiền bạc và danh vọng là thứ mà ai cũng hướng đến khi xây dựng sự nghiệp. Nhưng ngành phần mềm không chỉ chú trọng vào những điều đó, mà cần nhất là đam mê”, anh Hoàng khẳng định.
Lý giải điều này, tác giả “Code dạo ký sự” cho biết, “mỗi ngày không phải cứ lên văn phòng “đúng việc, đúng giờ” rồi về. Khi làm ở ngành lập trình phần mềm, công việc sẽ khá vất vả và không hoàn toàn dễ. Nhưng các bạn sẽ được làm công việc mà mình không thấy chán, cảm thấy được thử thách. Đó là điều chính yếu mà các bạn sẽ đạt được, còn tiền bạc và danh vọng chỉ là… “bonus” thêm”, anh Hoàng dí dỏm nói.
Mức lương ngành Kỹ thuật phần mềm khá “khủng”, tuy nhiên nó còn tùy thuộc vào khả năng của từng người. Có những bạn sở hữu khả năng thiên tài, vừa ra trường đã nhận được 1000-2000 USD/tháng. Còn đa phần với nhiều bạn, kiến thức trong ngành Công nghệ Thông tin sẽ được tích lũy theo thời gian. Bắt đầu từ vị trí Junior, Fresher, khoảng 1-2 năm đầu các bạn sẽ chú trọng những điều mình học hỏi được, chứ không phải mức lương. Sau 2-3 năm đạt đến trình độ Senior, mức lương mới “như mơ” được.
Một lầm tưởng lớn thứ hai mà các bạn trẻ dễ mắc phải, đó là học ngành lập trình phần mềm phải rất giỏi toán. Hot blogger cũng chia sẻ, từ khi đi làm đến nay, dạng toán khó nhất mà anh từng dùng là căn bậc và cộng trừ nhân chia. “Còn đạo hàm, giai thừa, mình vẫn chưa dùng tới. Nếu làm về nghiên cứu CNTT hoặc AI mới cần dùng nhiều thuật toán. Còn lập trình phần mềm, 90% là xử lý dữ liệu”, anh nói.
Hot blogger “Tôi đi code dạo” khẳng định, học ngành Kỹ thuật phần mềm không nhất thiết phải thật giỏi toán, mà quan trọng là khả năng tư duy logic. “Tại ĐH FPT môn Toán logic sẽ giải quyết cho các bạn vấn đề này”, anh cho biết thêm.
Xem thêm
Lựa chọn ngành Kỹ thuật phần mềm trong khi hiện nay có rất nhiều ngành khác trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin như An toàn thông tin và Trí tuệ nhân tạo, tác giả “Tôi đi code dạo” cho biết, anh chọn ngành lập trình do công nghệ phần mềm là một ngành rất mạnh của FPT. “Học ngành Kỹ thuật phần mềm, các bạn sẽ được đào tạo kỹ nghệ để viết ra phần mềm. Mọi thứ ngày nay đều cần đến phần mềm. Ngành lập trình đã “hot” từ hơn mười năm trước và hiện nay vẫn đang được doanh nghiệp tích cực săn đón”, anh nói.
Theo hot blogger, các ngành khác trong lĩnh vực CNTT, như Trí tuệ Nhân tạo sẽ có khả năng phát triển mạnh trong thời gian tới, và An toàn thông tin liên quan đến từ khóa “hacker” cũng là ngành học rất thú vị. “Hồi trước, mình từng hack hệ thống Lotte Cinema, sau đó làm Vlog “bóc phốt” các lỗ hổng bảo mật của họ, và hack hệ thống của Lozi rồi gửi báo cáo cho công ty. Kết quả, mình cũng được nhận thưởng tiền mặt từ các đơn vị này”, tác giả “Tôi đi code dạo” chia sẻ các “chiến công” vẻ vang của mình khi mới gia nhập ngành CNTT.
Theo đó, anh cũng khẳng định, “nếu được học thêm và có đủ thời gian, mình sẽ học tất cả những ngành thuộc lĩnh vực CNTT mà mình đam mê, không riêng ngành Kỹ thuật phần mềm”, anh nói.
Tốt nghiệp ĐH FPT TP.HCM ngành Kỹ thuật phần mềm, Phạm Huy Hoàng tiếp tục theo học Thạc sĩ Khoa học máy tính tại Đại học Lancaster (Anh quốc). Ngoài đảm đương công việc Software Engineer tại một doanh nghiệp Singapore, anh Hoàng được nhiều người biết tới như một Hot Blogger với “Tôi đi code dạo” – trang Blog đạt 8 triệu lượt người xem. Kênh Youtube mang tên tác giả cũng sở hữu gần 100.000 subscriber. Hiện tại anh Hoàng đã xuất bản cuốn sách về ngành lập trình mang tên “Code dạo ký sự”. Nhiều bạn trẻ cho biết, họ được truyền cảm hứng học ngành này là nhờ theo dõi Vlog, Blog và đọc sách chia sẻ kiến thức trong ngành CNTT của anh.
“Các bạn trẻ hãy học công nghệ thông tin để có cơ hội tiếp xúc với người giỏi, mức lương nghìn đô” đó là khuyên tặng của “giáo làng” Nguyễn Thế Hoàng cho các bạn trẻ mê công nghệ. Đồng thời, cũng là lời khen của người thầy nổi tiếng tại Đại học FPT TP.HCM dành cho cậu trò, cựu sinh viên “Tôi đi code dạo” tại chương trình “Nghề IT có như lời đồn” phát sóng trực tiếp trên fanpage FPT University HCM vừa qua.
Hoàng Nhung
Năm 2020, ĐH FPT tuyển sinh các ngành Quản trị Kinh doanh (Digital Marketing, Kinh doanh Quốc tế, Quản trị Khách sạn, Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành, Quản trị Truyền thông Đa phương tiện); Ngôn ngữ Anh; Ngôn ngữ Nhật; Ngôn ngữ Hàn Quốc; Công nghệ thông tin (Kỹ thuật Phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin, IoT, Phần mềm ô tô (dự kiến), Xử lý dịch vụ số (dự kiến), Thiết kế Mỹ thuật số). Dựa trên công cụ tra cứu xếp hạng học tập SchoolRank, trường ĐH FPT sẽ chỉ tuyển TOP50 học sinh trên cả nước theo hình thức học bạ và điểm thi THPT Quốc gia. Ngoài ra, TOP30 có cơ hội tham gia chinh phục học bổng của trường vào ngày 28/6. Thí sinh quan tâm, vui lòng gọi điện 028 73005588 hoặc xem thêm thông tin TẠI ĐÂY.
Ngay từ bây giờ, thí sinh có thể đăng ký để được tư vấn và giành cơ hội trở thành sinh viên Đại học FPT.