Trần Quang Huy (sinh năm 1990) trở thành kỹ sư giải pháp (Solution Architect) tại Mỹ nhờ kiến thức chuyên môn và năng lực giao tiếp được đào tạo từ trường đại học.
Huy yêu thích công nghệ, máy tính từ nhỏ. Thời điểm thi đại học, khi không có quá nhiều thông tin về ngành nghề, anh quyết định chọn trường theo nhu cầu của bản thân: cách học và thi cử mới mẻ.
Sau khi suy nghĩ và tìm hiểu, thay vì đi theo số đông, Quang Huy chọn ngôi trường mới thành lập vào thời điểm đó – Trường Đại học FPT. Chàng trai quê Cần Thơ cho biết, khi đưa ra quyết định này, anh tin rằng với một nghề luôn đòi hỏi học hỏi và cập nhật kiến thức như công nghệ thông tin, người học cần vào môi trường sẵn sàng đổi mới và gần với ngành công nghiệp nhất. Vì vậy, ngôi trường trực thuộc tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu là lựa chọn tối ưu.
Khi trở thành sinh viên khoá 4 Kỹ thuật phần mềm của Trường Đại học FPT, anh ấn tượng với lộ trình một tháng rèn luyện tập trung để học kỷ luật, rèn sức khoẻ, luyện tinh thần đồng đội. Đây là những cần thiết cho mọi nhân sự làm trong ngành phần mềm toàn cầu.
Tiếp theo, năng lực ưu tiên thứ hai của chương trình đào tạo tại đây là ngoại ngữ. Anh và các bạn bắt đầu học tiếng Anh để sẵn sàng cho các môn học chuyên ngành và công việc sau này.
“Nhờ trường dạy tiếng Anh trước khi dạy code, giờ tôi thành kiến trúc sư giải pháp ở Mỹ và dùng tiếng Anh thuần thục mỗi ngày”, anh nói thêm.
Trần Quang Huy – cựu sinh viên Trường Đại học FPT. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trong quá trình học tập, cựu sinh viên Đại học FPT cũng phải chật vật với giáo trình tiếng Anh 100% và yêu cầu học thêm tiếng Nhật từ trường. Song, anh nhận ra việc tập trung học tiếng Anh theo chương trình của trường giúp sinh viên tiếp thu kiến thức lập trình nhanh chóng và dễ dàng, không có rào cản giữa các nguồn học liệu trên toàn cầu.
Tới học kỳ thực tập doanh nghiệp (on the job training) bắt buộc ở trường, Quang Huy dần nhận ra yếu tố quan trọng khi làm việc với khách hàng là năng lực giao tiếp bằng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ. Tại đây, chàng trai trẻ có cơ hội kết nối và thử sức với vòng phỏng vấn cho một dự án làm việc tại Mỹ của FPT Software.
Sau đó, anh trúng tuyển và nhận công việc đầu tiên ở thị trường nổi tiếng với những công ty công nghệ toàn cầu, dự án lớn và những khách hàng yêu cầu cao về chất lượng. “Trải nghiệm này như một giấc mơ đối với mình”, anh chia sẻ.
Quang Huy kể lại, với một kiến trúc sư giải pháp trẻ vừa tốt nghiệp và bắt đầu công việc ngay ở Mỹ, anh phải vượt qua không ít thách thức trong công việc, đặc biệt là khi giao tiếp với khách hàng.
“Dân IT vốn kiệm lời, nhiều tình huống tôi phải nghĩ mãi cách trình bày thế để đôi bên năm rõ yêu cầu công việc, mong muốn của nhau. Thời gian đầu, tôi phải nhớ lại kỹ năng mềm học trong trường đại học, sau đó, học cách tương tác, đặt câu hỏi làm rõ vấn đề, xác nhận nhu cầu của khách”, anh nói thêm.
Quang Huy đang sinh sống và làm việc tại FPT Software (Mỹ). Ảnh: Nhân vật cung cấp
Theo nam kỹ sư, cách tốt nhất để vượt qua mọi thách thức trong công việc ở bất cứ đâu là xây dựng nền tảng tiếng Anh, kỹ năng mềm tốt và năng lực chuyên môn vững vàng từ khi còn là sinh viên. Anh đã chuẩn bị những điều này thông qua chương trình học ở Trường Đại học FPT.
Đồng thời, khi làm việc tại Mỹ, anh vẫn tiếp tục nâng cao kỹ năng chuyên môn và kỹ năng tiếng Anh. Chàng trai trẻ coi đây là “chìa khoá” giúp gỡ rối những khúc mắc trong quá trình làm việc với khách hàng và cũng nền tảng để xây dựng dự án với khách hàng trên toàn cầu.
Quang Huy khẳng định, sự nghiệp của anh hiện tại là “trái ngọt” từ quyết định chọn đúng trường đại học. Hiện tại, việc ra nước ngoài làm việc trong ngành công nghệ thông tin không quá khó nếu nhân sự vững chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng mềm, có năng lực tự học và khả năng thích ứng.
“Trường Đại học FPT có lộ trình để cho sinh viên rèn luyện những điều này từ những ngày đầu bước vào trường. Từ đó, sinh viên có thể tiết kiệm đáng kể thời gian sau khi ra trường, tăng khả năng cạnh tranh của các bạn khi đi ứng tuyển toàn cầu”, anh nhấn mạnh.
Theo VNExpress