Mới đây, sinh viên ngành Truyền thông Đa phương tiện Đại học FPT đã đến Singapore tham gia trình bày nghiên cứu khoa học tại “The 3rd Southeast Asian Conference on Education (SEACE2023)”. Diễn đàn do Singapore Management University tổ chức từ ngày 10/2/2023 đến ngày 13/2/2023.
1 trong 3 đề tài của nhóm sinh viên ngành Truyền thông Đa phương tiện – Đại học FPT trình bày tại SEACE2023 là The Impact of Educational Facilities on University Choice Throughout Facebook Platform: A Case of FPT University’s Students.
Cùng Đại học FPT trò chuyện với các thành viên của nhóm SUNFLOWERS gồm bạn Ngô Phạm Phương Thảo, Lâm Hoài Thương, Trần Kim Ngọc, Nguyễn Bùi Bảo Ngọc, Phạm Nguyễn Đông Thy về hành trình thực hiện đề tài và ghi dấu ấn tại SEACE.
Chúc mừng nhóm đã có bài nghiên cứu tham gia hội thảo SEACE2023 tại Singapore, nhóm có thể chia sẻ về chủ đề của bài nghiên cứu, lý do chọn đề tài và mục tiêu của đề tài?
Chủ đề nghiên cứu của chúng em là phát triển giáo dục, tìm hiểu sự nhận thức của các sinh viên khóa K17 về cơ sở vật chất, giáo dục tại trường Đại học FPT.
Chúng em rất quan tâm hệ thống cơ sở vật chất và các khu vực quanh trường Đại học FPT – một điểm đáng chú ý với các mảng xanh bố trí phù hợp và hài hòa. Từ đó chúng em muốn bài của nhóm sẽ xoay quanh vào việc tìm hiểu lý do nhập học của các bạn tại trường mà không phải là 1 trường khác, tìm ra những nơi mà mọi người có thông tin về cơ sở vật chất, cụ thể là trên mạng xã hội. Theo đó, đóng góp thêm từ một góc nhìn mới với những băn khoăn, mong muốn và suy nghĩ của sinh viên về các yếu tố xung quanh việc lựa chọn cơ sở giáo dục đại học của họ.
Phát triển và thấu hiểu các nhu cầu, mong muốn, sự bày tỏ của sinh viên FPT thông qua khảo sát. Từ đấy, tìm ra những điểm tốt và điểm cần cải thiện trong cơ sở vật chất. Làm tài liệu tham khảo để so sánh với các trường cùng khối ngành (Công nghệ) hoặc cùng bậc giáo dục (Đại học – Trường Dân lập). Và những trường đại học khác có sự nghiên cứu để chọn lọc và lựa chọn phù hợp hơn cho các thông tin đăng tải trên các trang mạng xã hội. Được vinh dự trở thành tài liệu nghiên cứu về cơ sở vật chất tại trường Đại học FPT.
So với các nghiên cứu trước đó, 4 điểm nổi bật của đề tài này là gì? Bài Nghiên cứu được thực hiện trong bao lâu?
Đề tài nghiên cứu trước đây của nhóm là về những phản ứng, sự nhận thức đối với quảng cáo, viral clip ở lứa trẻ em từ 6-14 tuổi. So với đề tài trước, việc thu thập và tìm kiếm số liệu cũng như nắm bắt được những phản hồi từ trẻ em là khó đo lường và thu thập. Chính vì vậy, so với đề tài về trẻ em này, đề tài được thực hiện tại đại học FPT là mang lại nhiều lợi thế và đóng góp thực tiễn hơn. 4 điểm nổi bật của đề tài này mà nhóm đã đặt mục tiêu và đạt được:
+ Đóng góp và trở thành một tài liệu thực tiễn trong việc có được các số liệu và thông tin từ hơn 140 sinh viên trong năm nhập học gần nhất của đề tài (sự mới mẻ, những phản ứng của các tân sinh viên thời điểm tháng 9/2022).
+ Làm rõ vấn đề về cơ sở vật chất và sự tương ứng chất lượng với nhu cầu và mong muốn của sinh viên.
+ Yếu tố nền tảng phương tiện mạng xã hội đóng góp lớn trong việc chọn trường
+ Tạo ra rõ góc nhìn và sự khác biệt đối với vấn đề cơ sở vật chất tại các trường đại học và các cơ sở giáo dục khác trên toàn thế giới (Dẫn chứng: tại các trường đại học và cơ sở giáo dục ở Philippines, các sinh viên không quan tâm về vấn đề này mà chỉ mong muốn có nhiều hơn những thông tin và kiến thức họ nhận được).
Bài nghiên cứu được thực hiện trong vòng 2 tháng (từ giữa đầu 9/2022 tới đầu tháng 11/2022), với hơn 3 tuần nghiên cứu các bài viết cùng chủ đề, 3 tuần cho việc thu thập dữ liệu và 8 tuần liên tục cho việc viết, chỉnh sửa, nhận góp ý thông qua các giáo viên hướng dẫn để bài viết ngày một hoàn thiện hơn. Sau khi hoàn tất bài viết cũng là khi thời gian của kỳ Fall 2022 kết thúc, nhóm được Giáo viên Hướng dẫn – Tiến sĩ, Giảng viên Lê Danh hỗ trợ nộp sản phẩm và chuẩn bị các hồ sơ, giấy tờ, bài viết, nội dung hoàn chỉnh sao cho đạt được mức độ chỉn chu và phù hợp với hội thảo.
Được biết SEACE quy tụ các giáo viên, nhà nghiên cứu, giáo sư nổi tiếng và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, khách mời từ khắp nơi trên thế giới để chia sẻ những hiểu biết của họ. Tại Hội thảo, có những ý kiến đóng góp/ nhận xét nào cho đề tài của nhóm không? Nhận xét nhóm nhớ nhất là gì?
Tại Hội thảo, chúng em đã được gặp gỡ các thạc sĩ, tiến sĩ và giáo sư nổi tiếng trong ngành Giáo dục. Sau khi trình bày xong, nhóm em được Ms. Jean Mari D. Atinaja (ECLACO Academi) nhận xét rằng: “Đây là một đề tài rất trendy và phù hợp cho các bạn trẻ như các em. Và bài nghiên cứu này cũng đưa ra những lời khuyên rất thiết thực cho việc phát triển môi trường giáo dục theo hướng Ecosystem trong tương lai, cũng như quá trình chọn lọc và tuyển sinh các tân sinh viên trong những năm tới. Đặc biệt hơn, bài nghiên cứu này cũng đưa ra một số ý tưởng hay về một trong những yếu tố tác động đến việc chọn trường Đại học của các bạn học sinh đang chuẩn bị bước vào giảng đường Đại học. Tôi cũng đánh giá cao việc họ đưa ra những insight quan trọng của sinh viên trong việc tiếp cận với cơ sở vật chất bởi vì ở đất nước của tôi, Philipine, không giống như vậy. Tôi thấy rằng những đặc điểm về cơ sở vật chất như vậy nên được lắng nghe từ các chia sẻ của sinh viên.” Thêm một góc nhìn mới từ các thầy cô chính là thêm một động lực để chúng em có thể mỉm cười hạnh phúc trong hành trình nghiên cứu và trình bày đề tài khoa học.
Nhóm ấn tượng nhất với đề tài nào khác tại Hội thảo? Lý do vì sao?
Nhóm chúng em ấn tượng nhất với đề tài “Experiences and Expectations of Undergraduate Students During Online Learning” của Mr. Royce Salva (De La Salle University). Thầy là một học giả ủng hộ quyền giáo dục của người dân địa phương và những người có nhu cầu đặc biệt. Để có được bằng Tiến sĩ ngành Giáo dục Đặc biệt, thầy đang viết luận án của mình với những học viên khuyết tật bản địa. Thầy chia sẻ rằng, thầy đã thu thập dữ liệu từ 28 trường Đại học tại Philippines. Đây là một con số rất ấn tượng và đã khiến cả phòng phải trầm trồ và liên tục đặt câu hỏi liên quan đến vấn đề này. Chúng em đã học hỏi được rất nhiều phương pháp và những kết luận cực kì hay qua những chia sẻ của thầy, chắc chắn tụi em sẽ áp dụng ở một dự án nghiên cứu gần nhất tiếp theo.
Nhóm đã học hỏi được gì từ Hội thảo Nghiên cứu Khoa học này hay gặp gỡ ai đặc biệt tại Hội thảo?
Tại Hội thảo, chúng em may mắn gặp được Ms. Jean Mari D. Atinaja và Mr. Royce Salva.
Trong cuộc trao đổi với thầy Royce Salva, thầy đã cho những lời khuyên bổ ích về thu thập dữ liệu, xử lý vấn đề liên quan đến các câu trả lời khảo sát và hướng phát triển bài nghiên cứu hiện tại của nhóm. Đồng thời, thầy cũng chia sẻ cho chúng em làm cách nào để tự tin hơn khi thuyết trình và cách khắc phục những khuyết điểm mà nhóm đang gặp phải.
Khi được trò chuyện cùng cô Jean Mari D. Atinaja, chúng em đã hiểu hơn về sự khác nhau trong môi trường đại học giữa hai đất nước Việt Nam và Philippin, về tiêu chí chọn trường, điều kiện cơ sở vật chất và ảnh hưởng của chúng lên chất lượng đầu ra của sinh viên. Ngoài ra cô cũng thể hiện sự thích thú và mối quan tâm đặc biệt đến chủ đề này.
Nhóm thấy việc Nghiên cứu Khoa học có ý nghĩa như thế nào? Nhóm có ý tưởng hay mong muốn gì thúc đẩy phong trào Nghiên cứu tại trường Đại học FPT?
Nghiên cứu khoa học trong suy nghĩ của tụi em bây giờ không chỉ gói gọn lại về khái niệm “phải học” và mục đích đủ điểm để qua môn nữa. Giờ đây, nghiên cứu khoa học đã trở thành một phần được nghiên cứu liên quan đến chủ đề mà bất kỳ cá nhân nào mong muốn được biết.
Không những thế, hoạt động nghiên cứu này sẽ vận dụng những quy luật đã được phát hiện bởi nghiên cứu cơ bản. Nhờ vào đó sẽ giúp giải thích được những vấn đề, sự vật, hiện tượng nhằm giúp hình thành nguyên lý công nghệ, sản phẩm, dịch vụ mới và áp dụng chúng vào hoạt động sản xuất và trong đời sống… Ở chủ đề của tụi em có thể là chưa vận dụng được ở quy mô rộng trong sản xuất, tuy nhiên, ở môi trường đại học, đó đã là một phát triển phù hợp và tạo được một vài những dấu ấn nhỏ trong ngành.
Với góc nhìn của sinh viên, nhóm em suy nghĩ để đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học: Đầu tiên, cần vạch ra cụ thể các đối tượng tham gia tại các ngành học, ai sẽ có thể phù hợp và các sản phẩm họ có thể làm ra là gì. Tiếp theo, nhà trường và BTC có thể khích lệ nhằm tăng tính thích thú thông qua việc chỉ ra các điểm thú vị của việc nghiên cứu khoa học, các sinh viên nhận được gì thông qua đề tài của họ và vì sao họ nên tham gia nghiên cứu. Cuối cùng, giải thưởng, sự khích lệ tại trường và tài trợ tại các hội thảo quốc tế nên là nhiều hơn để có thể tăng tính hợp lý cho việc sinh viên được thỏa mãn, được tự do phát triển suy nghĩ, tài năng trong việc NCKH.
Chuyến đi Singapore chắc chắn để lại nhiều kỉ niệm, nhóm có thể chia sẻ về điều ấn tượng tại chuyến đi bên lề Hội thảo?
Chúng em thấy rằng văn hóa và phong cách sống của người Sing rất năng động và phát triển, thành phố rất phát triển. Tại Singapore, người dân chủ yếu họ sẽ đi bằng các phương tiện công cộng như SMRT, bus và điều này cũng là không khó vì các trạm phân chia line khá tiện dụng. Bên cạnh đó, do bầu không khí rất trong lành, cây xanh nhiều chiếm đa số các công trình có cả tầng trên các tòa nhà cao tầng. Chính vì vậy, đây sẽ là một chuyến đi tập thể đầu tiên về NCKH tại nước ngoài tiên phong cho hành trình mới của các sinh viên ngành chúng em, một hành trình đáng nhớ khi theo học tại FPTU dưới sự dẫn dắt của GVHD đầy nhiệt tình./.
HANA (phỏng vấn)