“Tôi muốn mua lại sản phẩm này của các em.” – thầy Đỗ Công Hùng – giảng viên Đại học FPT đã vui vẻ chia sẻ sau khi được trải nghiệm sản phẩm Máy pha chế đồ uống Barista của nhóm sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm Đại học FPT trong buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp.
Dù bạn không phải là một batender được đào tạo chuyên nghiệp hay một người khéo tay, bạn cũng sẽ dễ dàng “khai trương” ngay một quầy bar tại nhà với sự hỗ trợ đắc lực từ máy pha chế đồ uống Barista điều khiển bằng smartphone do nhóm sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm Đại học FPT: Nguyễn Thái Dương, Nguyễn Lê Thu Hiền, Cao Hoàng Anh, Phùng Tiến Đạt nghiên cứu và triển khai.
Trên thế giới, những chiếc máy pha chế với chức năng tương tự đã ra mắt như: máy pha cooktail Somebar với 6 vị trí để các loại rượu và hương liệu khác nhau, hệ thống được điều khiển qua app smartphone, máy Sodastream Mix – chuyên gia chế biến đồ uống có ga hoặc chiếc hay máy ủ bia PicoBrew Zymatic… Tuy nhiên, những chiếc máy này đang được bán với giá thành khá đắt, chưa phổ biến tại Việt Nam.
Bartender chuyên nghiệp thường mất khoảng 3 phút để pha chế ra một ly cocktail thì chỉ 10 giây, chiếc máy Barista của nhóm sinh viên Đại học FPT đã pha chế xong loại đồ uống tương tự.
Máy pha chế Barista gồm hai hệ thống chính: phần cứng chính là máy pha chế và phần mềm là ứng dụng điều khiển chạy trên điện thoại di động (bước đầu, ứng dụng đang được xây dựng và phát triển trên nền tảng Android). Phần cứng của máy được làm từ mika và nhựa trong, tạo nên từ 5 loại linh kiện chính gồm vi điều khiển, 6 máy bơm mini có tốc độ 1,5 – 2 lít/phút nối với 6 bình chứa nguyên liệu, mô-đun rơ le 8 kênh, mô-đun bluetooth và bộ chuyển đổi nguồn điện.
Phần cứng và phần mềm được kết nối với nhau qua Bluetooth, chophép người dùng điều khiển máy pha chế ra những loại đồ uống theo công thức có sẵn hoặc một loại tự chọn theo ý thích. “Kết nối Bluetooth ổn định dù gặp phải vật cản hoặc ở khoảng cách xa 12 mét.” – nhóm đồ án hào hứng cho biết.
Màn hình chức năng có 6 nút bấm thả để điều khiển 6 máy bơm nguyên liệu theo sở thích. Thêm vào đó, ứng dụng cho phép theo dõi lượng nguyên liệu trong các bình chứa và thông báo cho người dùng khi nguyên liệu pha chế sắp hết.
Đặc biệt, chiếc máy Barista còn cho phép chủ sở hữu thoải mái phối hợp các loại nguyên liệu theo sở thích để tao ra những món đồ uống mang phong cách cá nhân khiến mọi người thích thú.
Để chế biến được một ly đồ uống ngon đòi hỏi phải pha trộn theo một công thức cực kỳ chính xác để đảm bảo hương vị hảo hạng, do vậy đòi hỏi người thực hiện sự tỉ mỉ. Barista được xây dựng như một bantender chuyên nghiệp và khéo léo, “đồ uống được chiếc máy Barista “pha chế” khá ngon miệng, tỷ lệ nguyên liệu hài hòa, phù hợp với khẩu vị của nhiều người.” Nguyễn Quỳnh Anh – một trong những vị khách được dùng thử sản phẩm từ chiếc máy Barista trong buổi bảo vệ chia sẻ.
Những vị khách của Barista tỏ ra thích thú với hương vị của những món đồ uống.
Không chỉ nhận được sự hài lòng của những vị khách, Barista còn chinh phục được Hội đồng chấm đồ án bởi tính ứng dụng thực tế. Đặc biệt thầy Đỗ Công Hùng – giảng viên Đại học FPT (thành viên trong Hội đồng chấm đồ án) đã xin thông tin của nhóm sinh viên để liên hệ mua sản phẩm. Hội đồng chấm đồ án cũng dành nhiều lời khen cho sản phẩm này và góp ý cần cải thiện thêm một số tính năng để Barista ngày càng hoàn thiện hơn như thay đổi tốc độ bơm và tìm cách làm giảm chi phí sản xuất.
Để có được sản phẩm hoàn chỉnh trình bày trong buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp, trong 4 tháng lên ý tưởng và triển khai nhóm sinh viên từng phải “tháo tung” các bộ phận phần cứng để kiểm tra bởi một máy bơm có dây nối không hoạt động hoặc chỉnh sửa lỗi trên phần mềm để ứng dụng hoạt động “êm” trên điện thoại.
Các sinh viên Đại học FPT bật mí quá trình làm đồ án dù vất vả nhưng nhóm đã học được rất nhiều bài học quý: đó là tinh thần làm việc, phối hợp và giải quyết xung đột trong nhóm; sự dốc sức, nỗ lực khi theo đuổi mục tiêu; kinh nghiệm quản lý dự án như sắp xếp thời gian, phân chia công việc…
T.H