Sinh viên ĐH FPT trải nghiệm vẽ 3D qua công nghệ VR

08/10/2024

“Kính VR giúp cho việc sản xuất nội dung trong phim, game hay MV ca nhạc nhanh và hiệu quả hơn” – anh Brad Nguyễn – Founder Công ty Joikid bắt đầu buổi hội thảo “VR Creator: Revolution To Create Immersive Art”. Cũng trong chương trình này, sinh viên Đại học FPT cũng đã được trải nghiệm tự tạo hình trong không gian 3D qua phần mềm Quill.

 

VR (Virtual Reality) – thực tế ảo là một trải nghiệm mô phỏng. Những ứng dụng VR sẽ đưa người dùng vào thế giới ảo, hòa nhập trong một không gian 3D thông qua thiết bị kính đặc biệt. Người dùng có thể hóa thân thành một phần của nội dung mình đang xem, sống trong không gian ảo nhưng cảm giác rất thật.

 
Buổi hội thảo nhằm giới thiệu công nghệ VR trong thiết kế đồ họa và cộng đồng VR tại Việt Nam với sinh viên Đại học FPT. Sự kiện đã diễn ra vào ngày 06/11 vừa qua tại Đại học FPT campus TPHCM, do các giảng viên ngành Thiết kế Mỹ thuật số kết hợp cùng công ty Joikid tổ chức.

 
Joikid là một trong số rất ít các công ty ứng dụng VR trong sáng tạo nội dung tại Việt Nam. Hiện nay, Joikid định hướng sẽ tạo nên một hạ tầng công nghệ nền tảng (platform) ứng dụng VR để mọi người tự làm ra những sản phẩm của riêng mình. Gần hơn, Joikid có dự án sáng tạo các sản phẩm giáo dục cho trẻ em qua kính VR để tăng tương tác và ba mẹ có thể chơi cùng con.

 
VR vừa là nền tảng, vừa là công nghệ mới và cũng là công cụ để hiện thực hóa ý tưởng. Hiện VR đang được ứng dụng rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong giáo dục hay kiến trúc, bất động sản để tạo nên các minh họa trực quan sinh động hơn so với các thiết kế 2D. Thiết kế trong VR thông qua phần mềm Quill, đi cùng kính và tay cầm Oculus giúp việc sáng tạo hình ảnh trở nên nhanh, tiện và dễ hơn. 

 

Chị Đỗ Quỳnh – PM công ty Joikid hướng dẫn cho sinh viên Thiết kế mỹ thuật số Đại học FPT: “Các bạn có thể sáng tạo nội dung trong không gian VR một cách không giới hạn. Các thao tác như dựng trục, set tỷ lệ, phối màu, phác thảo hoàn toàn bằng tay và trong không gian 3D sẽ có ưu điểm vượt trội hơn hẳn so với thao tác bằng chuột và trên màn hình 2D thông thường. Các bạn cũng có thể làm chuyển động trực tiếp trong Quill hoặc đem nội dung đó sang các phần mềm khác để hoàn thiện và xuất ra các định dạng khác nhau”. Nhu cầu các sản phẩm 3D/ AR/VR ngày càng lớn và Ứng dụng VR trong thiết kế đồ họa và sáng tạo nói chung là một hướng phát triển rất mới và nhiều tiềm năng cho các designer.

 

Chị Đỗ Quỳnh hướng dẫn kỹ thuật vẽ bằng phần mềm Quill.

 

Cũng trong buổi hội thảo, sinh viên Thiết kế đồ họa Đại học FPT đã được trải nghiệm phần mềm Quill cùng kính và tay cầm và các phim ngắn ứng dụng VR.

 

 

Sinh viên thích thú với công nghệ VR.

 
Với định hướng tiên phong, đưa kỹ thuật số (Digital) vào chương trình đào tạo, ngành Thiết kế mỹ thuật số tại Đại học FPT ngoài vẽ cơ bản còn áp dụng nhiều công nghệ khác. “VR ngày càng phổ biến. Việc dựng trực tiếp sản phẩm trong môi trường VR giúp các nhà thiết kế thoát khỏi hạn chế rào cản công cụ, phát huy tối đa được năng lực thẩm mỹ và tối ưu hoá được ý tưởng.” – ThS. Phan Bảo Châu – Giảng viên Thiết kế mỹ thuật số chia sẻ. Không chỉ VR, AR (thực tế tăng cường) cũng là một công nghệ mới mà sinh viên Đại học FPT được tiếp cận trong thời gian tới.

 
Buổi hội thảo mở ra hướng mới để định hướng nghề nghiệp cho sinh viên tương lai. “Công nghệ VR rất hay và ứng dụng rất nhiều. Mình đã xác định mình sẽ đi theo hướng làm Animation (chuyển động) nên mình thấy cơ hội việc làm cao và phù hợp với đam mê của mình”. Trần Minh Khôi – Sinh viên K14 ngành Thiết kế mỹ thuật số cảm nhận sau sự kiện.

 
VY HB NGUYỄN

Chia sẻ qua: