[THẦY CÔ TRƯỜNG F] Giảng viên Phan Mai Chi: Người làm nghệ thuật thật sự là người có tâm hồn đẹp

08/10/2024

Là 1 trong 2 giảng viên vừa có tham luận tham gia Hội thảo Khoa học quốc tế “Giáo dục Văn hóa – Nghệ thuật trong bối cảnh hội nhập Quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0”, giảng viên Phan Mai Chi đã có những chia sẻ về nghiên cứu khoa học, về nghề giáo, về bộ môn Thiết kế Đồ hoạ

Chào cô, chúc mừng cô đã có sản phẩm xuất hiện tại Hội thảo Khoa học quốc tế “Giáo dục Văn hóa – Nghệ thuật trong bối cảnh hội nhập Quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0”. Trong quá trình thực hiện nghiên cứu, cô có gặp khó khăn gì không? 

Khó khăn đầu tiên phải kể đến đó là sự cân đối thời gian làm việc và thời gian viết bài nghiên cứu khoa học. Bởi vì trong thời gian này, mình vừa phải chuẩn bị bài cho một môn dạy mới, vừa phải biên soạn đề cương sách giáo khoa (mình trong nhóm tác giả sách giáo khoa tin học 10, bộ sách “Chân trời sáng tạo”, theo đơn đặt hàng của NXB Giáo dục và Đào tạo TpHCM), bên cạnh đó là đảm bảo việc giảng dạy trên lớp theo thời khoá biểu, rồi công việc biên soạn syllabus và học liệu cho một số môn mình được bộ môn tin tưởng phân công. 

Khó khăn thứ 2, đó là việc phải chạy đua thời gian để kịp tiến độ nộp bài nghiên cứu theo từng giai đoạn, từ giai đoạn đăng kí, viết và nộp abstract, viết và nộp bài gồm 2 bản tiếng Anh và tiếng Việt, phản biện lần 1, phản biện lần 2, nộp bản đã chỉnh sửa theo góp ý của hội đồng phản biện và ban biên tập kỷ yếu và cuối cùng là bản cuối được công nhận, được lựa chọn là 1 trong số 40 bài viết được đăng toàn văn trong kỷ yếu hội thảo. Đó là quá trình mà có khi vì bận rộn mình đã suýt bị trễ hạn, đã trễ hạn vài tiếng đồng hồ nhưng đã kịp email giải trình để được hội đồng và BTC hội thảo thông cảm và chấp nhận. 

Được biết, Hội thảo Khoa học quốc tế “Giáo dục Văn hóa – Nghệ thuật trong bối cảnh hội nhập Quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0” quy tụ khoảng 200 Đại biểu đến từ nhiều đơn vị giáo dục khác. Được chọn tham gia Hội thảo đã giúp cô có thêm những trải nghiệm gì?

 

Việc được mời tham gia hội thảo thật sự là một điều may mắn với mình. Vì mình biết đến hội thảo và thông tin về hội thảo hơi trễ. Khi nhận được email và thư mời từ BTC hội thảo mình đã rất vui và đã kịp thời để gởi bài đi. Cũng may mắn là mình đã có sự chuẩn bị trước, bởi vì bài nghiên cứu này chính là một phần trong luận án nghiên cứu sinh TS sắp tới của mình. Vì vậy, được chọn tham gia hội thảo giúp mình có thêm tự tin, thêm động lực để xây dựng và hoàn chỉnh đề cương luận án. Trải nghiệm mình có được đó là học hỏi được cách nghiên cứu khoa học từ các thầy cô là PGS. TS cũng tham gia viết bài. Rút tỉa nhiều kinh nghiệm từ phong cách nghiên cứu khoa học, phương pháp nghiên cứu khoa học, viết luận, thu thập tài liệu, trình bày một văn bản nghiên cứu khoa học một cách chỉnh chu và đúng quy trình. Thêm nữa, đó chính là trải nghiệm chạy “deadline” mà đã lâu rồi mình đã suýt quên đi cảm giác này của ngày xưa. 

Đề tài của cô nói về vấn đề gì? Cô có thể chia sẻ tổng quan về nội dung đề tài. Ý nghĩa/thông điệp của đề tài? 

Đề tài mình viết lần này là “Những ý tưởng truyền đạt thông điệp hiệu quả trong quảng cáo và truyền thông”, “Ideas Effectively Convey Messages in Advertising and Communication”. 

 

 

Tổng quan và ý nghĩa / thông điệp của đề tài: Một chiến dịch quảng cáo và truyền thông xuất sắc là một chiến dịch vừa có tầm ảnh hưởng lớn vừa phải đơn giản. Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để có thể xây dựng được một chiến dịch như thế khi bạn đang có một ý tưởng. Sự đơn giản nhưng lại thể hiện tầm ảnh hưởng trong việc truyền đạt thông điệp chưa bao giờ là công việc đơn giản thậm chí cả với những chuyên gia trong ngành. Họ chỉ có thể giải đáp phần nào cho câu hỏi ấy đơn giản là dựa trên kinh nghiệm, giả định và suy đoán. Ý tưởng của một chiến dịch quảng cáo và truyền thông có thể xem như một câu hỏi đầy thử thách. Vì vậy, bài viết của mình sẽ góp phần làm rõ những phương thức cơ bản mà nếu được vận dụng một cách hiệu quả sẽ giải mã được những ý tưởng ấy, biến chúng, từ những ý tưởng táo bạo chưa có cơ sở khả thi ban đầu, trở thành một ý tưởng thực thi vô cùng hấp dẫn và sáng tạo, đạt được tầm ảnh hưởng nhất định cho việc truyền đạt thông tin. 

Theo cô đánh giá, nghiên cứu khoa học có ý nghĩa như thế nào trong môi trường giáo dục?

Nghiên cứu khoa học tạo nên giá trị của đào tạo đại học. Bởi lẽ bậc đại học không tạo ra người thợ lành nghề mà tạo ra một người chủ của sáng tạo, có khả năng tư duy biện chứng, biết vận dụng lý thuyết đã học để tạo ra giá trị thực, phục vụ cho cuộc sống và tiện nghi thực tế cho cộng đồng. 

Năm 2020, không biết là năm thứ mấy, cô công tác ở trường ạ? Cơ duyên nào đưa cô đến nghề giáo? 

 

Mình công tác ở Đại học FPT đã được gần 3 năm. Nhưng trước đó, mình đã có khoảng thời gian 6 năm công tác trong lĩnh vực giáo dục, công việc sau khi tốt nghiệp đại học của mình là giáo viên mỹ thuật ở một trường THCS. Trong 5 năm học đại học, mình cũng là gia sư tự do dạy kèm tiếng Anh cho học sinh THCS và THPT. Tính ra mình đã làm nghề giáo được 14 năm. Cơ duyên đến với nghề giáo là truyền thống từ gia đình, từ mẹ, từ những người dì, từ em gái… Còn nếu nói về cơ duyên giảng dạy tại Đại học FPT thì đó là vào mùa hè 2018, mình nhận được thông tin tuyển dụng giảng viên Lịch sử mỹ thuật bộ môn Đồ hoạ, mình cảm thấy phù hợp và nhân dịp học sinh THCS được nghỉ hè, mình thử sức nộp hồ sơ ứng tuyển, được mời phỏng vấn và may mắn được mời tham gia demo rồi nhận môn. Lúc đầu chỉ là một môn, như một cuộc dạo chơi, nào ngờ mình đã được tin tưởng giao thêm mỗi lúc nhiều môn hơn. Đến giờ, ngoài giảng dạy tại Đại học FPT TP.HCM, mình cũng cũng tham gia thỉnh giảng một số môn ở các đơn vị giáo dục khác.

Sinh viên có bạn chăm, có bạn lười, có bạn giỏi, có bạn còn lơ đãng học tập… Vậy cô có thể bật mí về cách làm thế nào để luôn truyền cảm hứng cho tất cả các bạn trong các tiết học?

Mình luôn đặt vị trí của mình là các bạn để tìm cách hướng dẫn bài làm sao cho hấp dẫn, các bạn đều hiểu bài và làm được. Mình cũng hay thay đổi để bài tập của mỗi kì sẽ mỗi khác, vừa đỡ cảm giác ngán vừa phù hợp với khả năng của mỗi lớp mình nhận. Với các bạn giỏi, mình tìm cách để các bạn làm tốt hơn khả năng của mình. Còn với các bạn lười, lơ đãng hay khả năng có hạn, mình vẫn sẽ có cách để các bạn tự tin hơn, làm bài biết cách để thể hiện điểm mạnh của mình để người xem quên đi những điểm chưa tốt trong bài tập của bạn. Nói chung, cách truyền cảm hứng của mình đơn giản là đứng ở vị trí của sinh viên để cảm nhận, để linh hoạt thay đổi cách truyền đạt, sao cho các bạn vừa cảm thấy thoải mái khi học, tự tin vì được tin tưởng và động viên từ đó các bạn sẽ làm tốt hơn. Đã từng là một học sinh trung bình trong lớp, mình hiểu sự lười của các bạn một phần là vì không tự tin, không có cảm hứng khi học, không ai tin tưởng vào sự thay đổi của bản thân. Phần lớn là do tâm lý làm năng lực của các bạn bị kìm hãm. Do đó, mình rất luôn quan tâm đến điều này để tâm lý của các bạn khi học được cởi mở hơn, từ đó tự tin vào năng lực của bản thân hơn để học tập, sáng tạo hơn. 

 

7. Theo cô, để học tốt ngành đồ hoạ, các bạn nên học tập theo phương pháp như thế nào?

Để học tốt ngành đồ hoạ, trước tiên các bạn phải thay đổi tư duy học để trở thành người thợ lành nghề mà phải biết rằng chúng ta sẽ là một graphic designer trong tương lai. Đó là một lĩnh vực gắn liền với yếu tố thực tiễn, xã hội cần và khoa học công nghệ hiện đại. Mà 2 yếu tố đó luôn thay đổi, luôn phải liên tục cập nhật. Bạn có thể thấy rõ sự thay đổi một cách chóng mặt của các dòng máy tính, các phần mềm thiết kế đồ hoạ. Khi các bạn ngỡ đã có được một sản phẩm tối tân nhất ở thời điểm bạn sở hữu, thì cũng ngay tại thời điểm đó nó đã lỗi thời, một dòng máy tính hay phần mềm khác mới hơn sắp được giới thiệu. Duy chỉ có nền tảng, những gì cơ bản nhất, sơ khai nhất của đồ hoạ, là luôn tồn tại, là “xương sống” của mọi vấn đề. Cũng như cái cây, nền tảng học thuật chính là gốc rễ, phương pháp là thân và nhánh và hoa, quả ngọt là sản phẩm sau cùng. Do đó, theo mình phương pháp học tập tốt nhất, trước tiên phải là nền tảng, là những bài học lý thuyết, là những môn học vẽ tay cơ bản, giúp hình thành tư duy thẩm mỹ và tư duy tạo hình. Khi bạn tự tin với nền tảng mình đã có, thì công nghệ sẽ giúp bạn hoàn thiện phần còn lại để trở thành một nhà thiết kế thật sự. 

Có câu nói nào cô tâm đắc và muốn gửi gắm với các bạn sinh viên nói riêng cũng như các bạn trẻ nói chung? 

“Người làm nghệ thuật thật sự là người có tâm hồn đẹp, không vì cái lợi của mình mà quên đi cái lớn hơn, là người nói thẳng, nói thật, trong sáng với nghệ thuật và có tư cách làm nghề, không phụ lòng bậc tiền nhân” – Giảng viên Phan Mai Chi.

 

 

Chia sẻ qua: