“Không có con đường nào dẫn đến hạnh phúc, hạnh phúc là con đường” – Dẫn lời của thiền sư Thích Nhất Hạnh, tiến sĩ Phạm Hữu Tài – giảng viên khối ngành Kinh tế – chuyên viên phát triển dự án Innovation Space – trường Đại học FPT chia sẻ về hành trình đang đi của mình.
Với thầy, một giảng viên đã ngoài 60 tuổi, từng “chinh chiến” ở nhiều mặt trận khoa học trong và ngoài nước, đi dạy không chỉ là một nghề nghiệp mà còn là một nhiệm vụ thiêng liêng, một niềm hạnh phúc lớn lao khi được trao truyền tri thức cho thế hệ trẻ.
Bén duyên với Đại học FPT từ… COVID-19
Tốt nghiệp Đại học từ năm 1985, thầy Phạm Hữu Tài giảng dạy chính thức tại một số trường ở Việt Nam. Sau đó, thầy sang Australia để tiếp tục học và định cư. Sở hữu trong tay nhiều tấm bằng danh giá gồm Tiến sĩ các chuyên ngành Toán – Thống kê; Thạc sĩ các chuyên ngành Luật, Kinh tế quốc tế và Truyền thông Marketing, thầy Tài là một trong những Nghiên cứu viên của trường Đại học Canberra và Đại học Newcattle (Australia).
Chuyến trở về Việt Nam sau 16 năm xa quê hương vừa rồi, thầy chỉ mảy may nghĩ rằng nó chỉ kéo dài dăm bảy ngày. Nhưng COVID-19 hoành hành, mọi kế hoạch dừng lại. Thầy quyết định ở lại Việt Nam. Đây là một trong những điều thầy nghĩ tới từ lâu, thầy mong muốn và quyết định về nước cống hiến và phát triển. Không chỉ đảm nhận công tác giảng dạy khối ngành Kinh tế, thầy còn là chuyên viên phát triển dự án Innovation Space – trung tâm khởi nghiệp tại trường Đại học FPT.
Dẫn ví dụ về một dự án đã và đang thực hiện, thầy Tài cho biết, công nghệ thực sự quan trọng. Nó xuất hiện trong tất cả những lĩnh vực của cuộc sống, đặc biệt là kinh tế. Thế hệ trẻ cần tiệm cận nhanh chóng với công nghệ mỗi ngày để làm mới mình, để có thể tồn tại và phát triển.
Dự án dùng công nghệ HPP (High Pressure Processing) bảo quản trái cây tươi mà thầy cùng nhóm dự án đã và đang thực hiện là một minh chứng. Theo đó, thay vì các sản phẩm chỉ giữ lạnh được trong tối đa 15 ngày thì bây giờ đã có thể giữ tới hơn 3 tháng. Điều này thực sự là một tín hiệu đáng mừng cho quá trình xuất khẩu. Thời gian giữ lạnh lâu, sản phẩm sẽ được di chuyển xa hơn. Chúng ta đã có thể xuất khẩu những thực phẩm đặc sản của Việt Nam ra thế giới.
Mới đây, thầy cũng tham gia Hội thảo chuyên ngành Kinh tế (FCBEM). Thầy đạt giải bài viết xuất sắc (excellent paper) với đề tài Asessment of Trade Indices under Free Trade Agreement for Establishing International Market Access Strategy. FCBEM là sự kiện học thuật và nghiên cứu khoa học về các lĩnh vực trong Kinh doanh, Kinh tế và Quản trị… được trình bày hoàn toàn bằng tiếng Anh. Thầy mong muốn được sẻ chia nhiều hơn những trải nghiệm, kinh nghiệm để xây dựng thế hệ trẻ.
Dạy học là một nhiệm vụ thiêng liêng, một niềm hạnh phúc
Mặc dù mới giảng dạy tại trường Đại học FPT chỉ 3 tháng nhưng Tiến sĩ Phạm Hữu Tài đã khiến nhiều sinh viên ấn tượng. Gặp thầy trong một buổi chiều nắng nhạt, người thầy ngoài 60 tuổi đã có những chia sẻ chân thành về các bạn sinh viên trường, về công tác giảng dạy của mình và về những dự án sắp tới của một vị tiến sĩ.
Trong 3 tháng, thầy Tài được nhiều sinh viên thích thú vì những trải nghiệm thực tế khi giảng dạy các môn như Kinh tế vĩ mô, Phương pháp luận nghiên cứu…
Thầy cho biết, có nhiều điểm khiến tôi ấn tượng và quyết định gắn bó với Đại học FPT: “Tôi bất ngờ với môi trường không thua kém quốc tế tại đây. Khi ở trường, sinh viên bảo vệ đồ án hoàn toàn bằng Tiếng Anh. Ngày xưa khi tôi học Tiếng Anh, tôi mất 5 năm, trong khi vào Đại học FPT, các bạn chỉ mất 1 năm nền tảng để có thể sử dụng thành thạo. Các bạn trình bày toàn bộ Tiếng Anh rất suôn sẻ. Đó là một tín hiệu vui. Chỉ có việc thông thạo ngoại ngữ, mới tiếp cận tri thức toàn cầu nhanh chóng”.
Một điểm mà thầy ấn tượng với Đại học FPT đó là trong bối cảnh dịch bệnh, Đại học FPT là một trong những trường tiên phong dạy và học online. Qua tìm hiểu, tôi biết trường đã mang kho tri thức trực tuyến khổng lồ Coursera về trường. Việc dạy và học online là một phương pháp thích ứng dịch bệnh đồng thời cũng rèn luyện tinh thần tự học cho sinh viên. Mỗi một ngày, không tiếp cận với tri thức thế giới, chúng ta sẽ bị thụt lùi.
“Trao truyền kiến thức cho thế hệ trẻ, tôi nghĩ, đó là một nhiệm vụ thiêng liêng. Con người làm phước theo nhiều kiểu khác nhau, có người đi chùa, có người làm từ thiện, tôi chọn cách đi dạy. Cách nào cũng được, cũng có ích cho cuộc sống này” – người thầy ngoài 60 tuổi tâm sự.
Nhắn nhủ với các bạn trẻ, thầy Tài cho biết: “Các bạn kiến tạo cho mình một đam mê, một sự kiên nhẫn thì chắc chắn thành công sẽ đến. Mình cứ xác định, mình hạnh phúc và vui chơi trên con đường đang đi”.
HIEUHT23