Tư duy phản biện và những cách để cải thiện

07/10/2024

Tham gia Workshop “Phản biện – Nghệ thuật của sự phản tư” do bộ môn Kỹ năng mềm, Trường Đại học FPT TP. HCM tổ chức, các bạn sinh viên đã có cách nhìn dễ hiểu về phản biện và trang bị các kỹ năng để phản biện hiệu quả. 

Hiểu đúng về phản biện 

Workshop “Phản biện – Nghệ thuật của sự phản tư” do anh Nguyễn Chiến Trường (Chuyên viên Ban Tôn giáo TP. HCM) làm diễn giả. Tại đây, anh Chiến Trường đã mang đến cho khán giả những bài học, kiến thức sâu sắc về phản biện, đồng thời kích hoạt tư duy phản biện bằng hàng loạt vấn đề thực tiễn và hấp dẫn. 

 

 

Theo diễn giả Nguyễn Chiến Trường, “phản biện” trở thành từ khoá xuất hiện dày đặc trong 10 năm trở lại đây. Giữa thời đại công nghệ thông tin và mạng xã hội phát triển, chỉ cần một cú nhấp chuột sẽ có hàng trăm các kết quả liên quan đến từ khóa “phản biện” hiện ra.

Tuy nhiên, không ít người hiểu sai về phản biện và thường “sa đà” vào việc tranh luận hay cãi nhau bởi không phân biệt rạch ròi ranh giới giữa 3 quá trình này. Bằng việc đưa ra các ví dụ, anh Chiến Trường đã chỉ ra rằng, đứng trước một câu hỏi cần phát biểu hay đóng góp ý kiến, nếu câu trả lời chỉ để chứng minh ý kiến của bạn đúng và người khác sai thì kết quả cuối cùng là để tranh luận. Còn đối với phản biện, cốt lõi là mang tính góp ý xây dựng, phục vụ mục đích chung nhằm giải quyết vấn đề tốt hơn. 

 

Một mặt khác, cho dù mục đích ban đầu của mỗi người tốt, nhưng kỹ năng giao tiếp chưa tốt, thái độ và lời nói chưa phù hợp khiến việc truyền đạt thông tin bị hiểu lầm, cũng khiến cho kết quả của quá trình phản biện đi lệch hướng. Do đó, để có tư duy phản biện tốt, ngoài kỹ năng giao tiếp tốt, biết lắng nghe thì cần phải nắm rõ các cấu trúc của một lập luận, quá trình tư duy để đưa ra lập luận và “nằm lòng”những tiêu chuẩn cần có. 

Quy trình cho một lần phản biện 

Thông qua các ví dụ như hình ảnh người đàn ông gom trứng ở siêu thị, câu nói “Lịch sử được viết nên bởi người chiến thắng” xuất phát từ lập trường của phe nào, giai cấp nào hay tục ngữ “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”,… anh Chiến Trường đã cho các bạn sinh viên thực hành làm quen tư duy phản biện. Sau khi tổng hợp và phân tích những lập luận mà sinh viên trình bày, diễn giả đã chỉ ra cấu trúc lập luận trong tư duy phản biện bao gồm các thao tác xác định: luận đề, luận điểm, luận cứ và dẫn chứng. Trong đó, luận đề là xác định đề bài, đối tượng cần phân tích mà chúng ta tham gia phản biện; luận điểm là những tư tưởng, lập luận chính của vấn đề đang thảo luận và luận cứ là những căn cứ để bảo vệ cho luận điểm. 

Có 5 bước để cho quá trình tư duy để đưa ra lập luận mà chúng ta có thể tham khảo: Xác định vấn đề và biểu đạt vấn đề để tránh lạc hướng; huy động tất cả các khái niệm, tri thức và kinh nghiệm liên quan đến vấn đề phản biện; sàng lọc sự liên tưởng, liên kết phù hợp với đối tượng; kiểm tra giả thiết bằng nhiều phương pháp và cuối cùng là giải quyết vấn đề. Muốn quá trình phản biện có kết quả, hiệu quả và mang tính góp ý xây dựng cần đảm bảo các bước trên. Đây chính là cán cân tạo nên sức mạnh cho ý kiến phản biện của mỗi người. 

Ngoaì ra, tư duy phản biện đảm bảo tính khách quan, thuyết phục khi được đánh giá qua khung tiêu chuẩn: Tính rõ ràng, tính đúng đắn, tính chính xác, tính liên kết, tính chiều sâu, tính chiều rộng, tính logic và tính phi chủ tính. Khi tiếp cận với 8 tiêu chuẩn này, thoạt đầu chúng ta sẽ có cảm giác đơn giản, nhưng đòi hỏi phải nỗ lực rèn luyện mới có thể áp dụng một cách linh hoạt và hiệu quả.

Sôi nổi, bất ngờ và đầy gợi mở là không khí mà Workshop “Phản biện – Nghệ thuật của sự phản tư” mang lại. Qua chương trình, các bạn sinh viên Đại học FPT TP. HCM đã nhận được những kiến thức bổ ích để hình thành một lối tư duy đa chiều cũng như có cái nhìn tổng quan, sâu sắc hơn về những gì đang diễn ra trong cuộc sống. 

Ái Nhi

 
 

Chia sẻ qua: