[THẦY CÔ TRƯỜNG F] Hành trình 10 năm gắn bó với Đại học FPT của Giảng viên Trần Đình Thành

08/10/2024

Ngót nghét 10 năm gắn bó với Đại học FPT, thầy Trần Đình Thành – trưởng bộ môn Kinh tế tại Đại học FPT có nhiều chia sẻ về nghề, về những thế hệ sinh viên. Tốt nghiệp Tomas Bata University (Cộng hoà Séc), thầy Thành trở về Việt Nam và theo đuổi con đường truyền lửa đam mê giáo dục. 

“Hồi xưa đi học tôi cũng quậy lắm”

 

Nhớ về ngày đầu tiên đứng lớp, thầy Thành kể: “Lúc đó, tôi mới về nước, còn nhiều bỡ ngỡ lắm. Đó cũng là lứa sinh viên đầu tiên của ngành Quản trị Kinh doanh tại Đại học FPT. Lứa đầu tiên, mọi thứ mới mẻ nhưng cũng đầy áp lực”. 

Áp lực vì lúc đó thầy còn quá trẻ, áp lực vì lúc đó thầy mới về Việt Nam và sự thật thì văn hoá giữa phương Tây và phương Đông quá khác nhau. Áp lực vì văn hoá sinh viên sẽ được định hình từ những lứa đầu tiên mà chính người thầy, người cô sẽ là người dẫn dắt, định hình văn hoá đó.

 

“Thời sinh viên, tôi là Bí thư Đoàn nên thích làm việc về hoạt động sinh viên đã ăn vào máu. Do đó, việc quay trở lại với môi trường giáo dục là một phần đam mê, sở thích của tôi, cũng là điều tôi mong muốn khi khơi gợi được tinh thần cho các bạn sinh viên. May mắn khi được học tại một đất nước mới, tôi mong mình không chỉ truyền lửa đam mê mà còn mang lại một luồng không khí mới, tự tin hơn, quốc tế hơn, năng động hơn cho sinh viên ở quê hương mình”.

Trở về từ Cộng hoà Séc, điều thầy Thành cảm thấy khác biệt đó là sinh viên nước ngoài có tính chủ động hơn. Rõ ràng sinh viên Việt Nam vẫn có rất nhiều bạn đã khẳng định được năng lực trên bản đồ tri thức toàn cầu. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn thiếu những bạn trẻ chủ động, tự tin. “Tôi nghĩ đó là một tố chất cần thiết cho sinh viên thời đại mới. Nếu không chủ động thì các bạn sẽ không trau dồi khả năng tự học, nắm bắt cơ hội thể hiện mình và khẳng định năng lực bản thân”.

Đi dạy cũng là đi học, người thầy cũng được trao dồi kiến thức nhiều hơn. Vai trò của người thầy, hành động và lời nói đều sẽ ảnh hưởng hướng tới sinh viên. Hạnh phúc của người thầy, người cô đó là có thể định hướng cho sinh viên trở nên tốt hơn, giỏi hơn, tự tin hơn, trưởng thành hơn – thầy Thành chia sẻ thêm.

Đi dạy, có sinh viên giỏi, có sinh viên ngoan cũng có sinh viên quậy. “Hồi xưa, tôi cũng quậy lắm nhưng mà sửa được. Trải qua thời tuổi trẻ, tiếp xúc với sinh viên, giờ ca nào cũng xử được hết (thầy cười). Sự vị tha, chia sẻ chân thành và góp ý thẳng thắn, đó là cách tôi hướng dẫn sinh viên mình. Khi các bạn được thấu hiểu và được định hướng, các bạn sẽ có một thái độ tích cực”.

Lợi nhuận của kinh tế không đơn thuần là tiền

Mỗi lần lên lớp đều cho thầy Thành nhiều kỉ niệm. Nhưng có lẽ kỉ niệm nhiều nhất đó là lần hướng dẫn đồ án tốt nghiệp. Đồ án lần đó Nghiên cứu về sự hài lòng của người khuyết tật đối với các dịch vụ công cộng. Mặc dù chỉ là đồ án gói gọn trong khuôn khổ ở trường nhưng đồ án này đã được đăng tải trên DRD – Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển năng lực người khuyết tật và một tạp chí ở Thái Lan. Đôi khi, mục tiêu của Kinh tế là tạo ra lợi nhuận nhưng đôi khi nó còn là tạo ra giá trị cho cộng đồng. Rõ ràng tiền là mục tiêu quan trọng nhưng khi làm kinh tế cần xem xét nhiều yếu tố, xem xét về mức độ ảnh hưởng tới xã hội.

 

Sinh viên đầu tiên có năng lực học tập tốt, kiến thức và tư duy sâu. Sinh viên sau này lại năng động hơn, nghịch ngợm hơn. Mỗi lứa sinh viên sẽ có những đặc thù khác nhau. Thầy Thành không đặt lên bàn cân để phân biệt mà thầy so sánh để thấy được những ưu điểm, khuyết điểm. Từ đó, có phương pháp dạy học hay hơn, thú vị và phù hợp hơn. “Bản thân mình đừng nghĩ mình thua người khác, ai cũng có điểm mạnh, điểm yếu. Điều quan trọng là nhận ra điểm mạnh để phát huy và điểm yếu để khắc phục”.


Có 1 câu nỏi mà thầy Thành yêu thích và muốn gửi gắm cho các bạn sinh viên, đó là “Honest differences create special Values”. Chia sẻ về tố chất ngành Quản trị Kinh doanh, thầy Thành khẳng định: “Trong kinh doanh, các bạn phải đột phá, thậm chí khác biệt. Nếu không có điểm khác biệt thì chắc chắn bạn sẽ không hơn người đi trước được, không hơn những người giỏi được. Các bạn cần dám nghĩ, dám làm. Bên cạnh đó, các bạn cần có thái độ tốt và trau dồi kỹ năng mềm thành thạo. Tôi tin, Quản trị Kinh doanh là một ngành học thú vị cho những bạn trẻ thời đại mới”.

HIEUHT23

Chia sẻ qua: