Trịnh Trần và cách cựu sinh viên Thiết kế Đồ họa đi tìm ý tưởng cho những sáng tạo nghệ thuật

07/10/2024

Trịnh Trần – cựu sinh viên ngành Thiết kế Đồ họa – Đại học FPT nổi bật với vai trò một photographer và với các bức hình thời trang, nghệ thuật. Cùng Đại học FPT trò chuyện với Trịnh về câu chuyện làm nghệ thuật của những bạn trẻ mới ra trường.

Trịnh Trần (tên thật là Trần Quang Bình) cựu học sinh THPT Trương Vĩnh Ký, cựu sinh viên ĐH FPT. 

 

PV: Có vẻ như Trịnh đang rất happy với công việc của mình, đó vừa là đam mê và cũng là công việc chính của bạn đúng không? Một ngày của bạn diễn ra như thế nào?

Hiện tại thì mọi người đều biết Trịnh dưới danh nghĩa là một nhiếp ảnh gia về thời trang, bên cạnh đó mình vẫn tiếp tục công việc đồ hoạ của mình và đồng thời làm các công việc liên quan đến mảng thời trang như làm Stylist, Producer. 

Một ngày của mình rất đơn giản, bắt đầu một buổi sáng với một li cà phê đen, một cuốn sách, một địa điểm, một mình. Đây là khoảng thời gian cho bản thân nhiều nhất để sáng tạo cũng như tìm những ý tưởng mới. Sau đó là dành thời gian cho người thân vào buổi trưa, buổi chiều lại tiếp tục công việc của mình, luôn liên tục cập nhật thông tin để mình không bị lạc hậu. Tối thì dành thời gian cho bạn bè, cho người thân. 

Và vì làm việc với thời gian tự do nên mỗi ngày của Trịnh đều khác nhau, đều có những trải nghiệm khác biệt, đó cũng là một phần mà Trịnh thích khi chọn là một người làm việc tự do.

 

Nhà thiết kế Đoàn Quỳnh Nhi (giữa) bên stylist Trịnh (phải). Anh là người đã thổi hồn vào bộ sưu tập bằng lối mix match thông minh, đương đại.

PV: Trịnh có thể chia sẻ một số chương trình mà bạn đã hợp tác làm việc?

Trịnh đã tham gia thực hiện vào nhiều bộ hình thời trang cho Tạp chí thời trang L’Officiel Vietnam dưới sự hỗ trợ của anh Alex Fox. Làm stylist Runway cho Umbrella Fashion, nghệ sĩ Táo, nghệ sĩ Thế Bảo. Các tác phẩm nhiếp ảnh của Trịnh được triển lãm ở sự kiện của tạp chí thời trang nổi tiếng Harper’s Bazaar, hay ở UBUNTU Exhibition. Film BTS cho MV Yêu một người sao buồn đến thế của Noo Phước Thịnh. Và rất nhiều dự án cá nhân khác qua thời gian.


Film BTS cho MV Yêu một người sao buồn đến thế của Noo Phước Thịnh là một trong những dự án Trịnh từng thực hiện.


Film cho tạp chí L’Officiel Vietnam / creative director: Alex Fox

PV: Bộ ảnh mà bạn tâm đắc nhất là gì? Đó có phải là bộ hình đầu tiên bạn chụp hay là bộ hình mà bạn nhận được nhiều cat-xe nhất? 

Đối với Trịnh thì mỗi tác phẩm đều mang một giá trị riêng và từng giai đoạn sẽ phát triển theo một hướng khác nhau nên không có một bộ hình nào là tâm đắc nhất. 

Một trong những bộ hình có thể nói là đầu tiên của Trịnh trong nhiếp ảnh mà nghiêm túc đó là bộ Whispering Sea, Bộ Grunge được lấy ý tưởng từ chính nỗi sợ của bản thân – Đại Dương (Thalassophobia). Nhẹ nhàng, mênh mông thế nhưng còn nhiều thứ bí ẩn trong làn nước kia, nhất là khi con người chúng ta đang tàn phá tự nhiên một cách nhanh chóng. Không sớm thì muộn, vấn đề chỉ còn là thời gian. Đó cũng là cột mốc mà mình bắt đầu học tập nghiêm túc về nhiếp ảnh. 

Còn một bộ hình nữa đó chính là bộ hình mình chụp cho người thầy của mình và cô vợ người Nga của anh kỷ niệm 7 năm yêu nhau của họ. Những người truyền cho mình rất nhiều cảm hứng trong nghệ thuật và nhiếp ảnh.


PV: Làm công việc sáng tạo, ý tưởng rất quan trọng. Nhiều bạn bị bí tưởng, còn với Trịnh như thế nào, cách Trịnh đi tìm ý tưởng ra sao?

Quan sát, đó là điều đầu tiên mà Trịnh nghĩ cần phải có khi làm các công việc liên quan đến sáng tạo. Quan sát tất cả mọi thứ diễn ra trong cuộc sống của mình, từ lúc mình mở mắt tới khi đi ngủ, vì những ý tưởng luôn ẩn đâu đó trong cuộc sống của chúng ta mỗi ngày, sau đó là liên tưởng, tưởng tượng, biến những thứ tưởng chừng là đơn giản thành những thứ hay ho. Ý tưởng không đến với chúng ta khi ta chỉ ngồi một chỗ, hãy di chuyển, vận động để ta có thể thấy thế giới nhiệm màu đến nhường nào. Và quan trọng không kém, là nguồn tài nguyên ý tưởng khổng lồ từ sách, từ lịch sử.


Kỹ thuật sử dụng cho bộ mình này lấy cảm hứng từ cách chụp âm bản kết hợp dương bản của nhiếp ảnh gia nổi tiếng Man Ray.

PV: Quan điểm nghệ thuật của Trịnh như thế nào? Câu nói mà Trịnh tâm đắc cũng như làm kim chỉ nam trong cuộc sống?

Mỗi người sinh ra đều có góc nhìn và sự cảm thụ nghệ thuật riêng, cái đẹp trong mắt mỗi người từ đó cũng khác nhau, nên Trịnh thường sẽ không có sự so sánh, chỉ có phù hợp hay không phù hợp với bản thân. Khi xem xét một tác phẩm Trịnh, nếu tác phẩm đó đẹp là tác phẩm đó đẹp, dù cho nó được làm bởi ai, không có sự ảnh hưởng bởi tác giả, theo Trịnh đó là khách quan hơn cả. Trịnh dùng nghệ thuật để chia sẻ những câu chuyện, quan điểm trong cuộc sống của mình đến với mọi người, từ đó bàn luận về cuộc sống hoặc đơn giản chỉ là thoả mãn thị giác. 

Làm về sáng tạo, Trịnh Trần có những cách đi tìm ý tưởng riêng để luôn làm mới mình, làm mới sản phẩm. 

Trịnh muốn chia sẻ thêm quan điểm cá nhân. trong công việc của mình đó chính là mọi thứ phải được giải quyết nhanh chóng, có thể trong tình bạn hoặc với người thân chuyện cá nhân rất ngại nói ra nhưng trong công việc rất cần sự thẳng thắn. Chúng ta không có nhiều thời gian cho bản thân hay cho người khác, vì thế khi có vấn đề xảy ra thì hãy giải quyết ngay lập tức, tránh tồn đọng cảm xúc tiêu cực trong cơ thể từ đó làm việc không hiệu quả, hay có những hiểu lầm không đáng có. Và hai thứ nữa không thể thiếu chính là sự chuyên nghiệp và kỹ năng mềm. Chuyên nghiệp trong giờ giấc, trong sự chuẩn bị, tinh tế trong cách giải quyết tình huống, ăn nói, cách hành xử là những thứ cũng quan trọng không kém với kỹ năng chính của mình. Ví dụ như nếu mình rất giỏi trong việc làm nhiếp ảnh nhưng sự chuyên nghiệp của mình không có, hay cách mình giao tiếp, ứng xử, kiểm soát cảm xúc mình không tốt thì nó cũng ảnh hưởng phần lớn đến khách hàng, ekip của mình, khiến họ không mấy thiện cảm.

“Cần bằng giữa nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh là điều vô cùng quan trọng và cần thiết.”
“Học không bao giờ là thiếu sót, chỉ có cái tôi cao khiến mình bị chết dần.”

“Chuyên nghiệp giúp ta có được sự tôn trọng, biết điều cho ta những giá trị cơ hội mới.”

PV: Những gì học được về Thiết kế Đồ họa tại ĐH FPT đã giúp bạn như thế nào trong công việc hiện tại? 3 từ mô tả về thời sinh viên của bạn là gì?

Thiết kế đồ hoạ là một ngành mà nó gần như là đều hết ở tất cả các mảng, nên khi ra đi làm mọi thứ đều bổ trợ cho nhau rất nhiều. Đối với nhiếp ảnh, đồ hoạ hỗ trợ rất nhiều cho Trịnh ở mặt màu sắc, bố cục hình ảnh, các trường phái nghệ thuật từ đó đem vào nhiếp ảnh, Stylist cũng vậy.


Những gì học được tại ngành Thiết kế Đồ học – Đại học FPT đã giúp Trịnh rất nhiều trong công việc. 

Nếu để mô tả thời sinh viên của Trịnh Bằng 3 từ thì đó là May Mắn, Trải Nghiệm, Người Thân.

May Mắn ở đây là việc lựa chọn được mảng công việc mà mình thích là về nghệ thuật.

Trải Nghiệm là thứ Trịnh nhân được nhiều nhất ở ĐH FPT, khi luôn có những cơ hội mới để học tập, để biết mình cần gì, phát triển cái gì qua những lần đi nước ngoài, đi Hàn Quốc và các nước.

Người Thân ở đây đối với Trịnh là thầy cô, bạn bè, những người giúp đỡ không thể thiếu trong những chặng đường của mình trên cuộc đời này, mọi thứ đều là ngẫu nhiên, và mọi thứ đều mang đến những kỷ niệm khó quên.

Thực hiện: HANA
Ảnh: NVCC

Năm 2021, ĐH FPT tuyển sinh các ngành Quản trị Kinh doanh (Digital Marketing, Kinh doanh Quốc tế, Quản trị Khách sạn, Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành, Quản trị Truyền thông Đa phương tiện); Ngôn ngữ AnhNgôn ngữ Nhật; Ngôn ngữ Hàn Quốc; Công nghệ thông tin (Kỹ thuật Phần mềm, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin), Thiết kế Mỹ thuật số). Dựa trên công cụ tra cứu xếp hạng học tập SchoolRank, trường ĐH FPT sẽ chỉ tuyển TOP50 học sinh trên cả nước theo hình thức học bạ và điểm thi THPT Quốc gia.

 

Ngay từ bây giờ, thí sinh có thể đăng ký để được tư vấn và giành cơ hội trở thành sinh viên Đại học FPT.

Xem thêm:

 


 

Chia sẻ qua: